Xe buýt mini tiếp nối cho sự phát triển giao thông công cộng Cần Thơ
Năm 2023, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ sẽ ưu tiên khai thác phương tiện xe buýt nhỏ (25 chỗ).
Theo ông Huỳnh Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP Cần Thơ, TP có 7 tuyến xe buýt nội thành đang hoạt động với tổng chiều dài mạng lưới tuyến hơn 242 km.
Thời gian qua, Trung tâm đã đầu tư hệ thống trạm trung chuyển, trạm dừng, nhà chờ trên các tuyến phục vụ cho xe buýt đón trả hành khách.
Công ty CP Phương Trang FUTA - Bus Lines đưa phương tiện xe buýt loại B40 (25 chỗ ngồi, 15 chỗ đứng) hiện đại, trang bị máy lạnh và camera giám sát hành trình thay thế các xe buýt đã xuống cấp.
Sau thời gian khai thác, Trung tâm nhận thấy việc sử dụng dòng xe buýt GAZ Minibus B20 (19 chỗ ngồi, 1 đứng) và B24 (16 chỗ ngồi, 8 đứng), sẽ phù hợp hơn với các tuyến xe buýt có hạ tầng mặt đường hẹp, cầu nhỏ…
Mặt khác với thiết kế nhỏ gọn, dòng xe buýt mới này sẽ dễ dàng di chuyển vào giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hơn so với dòng xe buýt lớn B40 đang hoạt động.
“Được sự thống nhất của Sở GTVT, cuối năm 2022, Trung tâm phối hợp cùng Công ty CP Phương Trang – FUTA Bus Lines chuyển đổi phương tiện khai thác xe buýt GAZ Minibus B20 – B24 thay thế xe buýt B40 của 5/7 tuyến xe buýt nội tỉnh đang hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ.
Việc chuyển đổi phương tiện khai thác xe buýt này cũng sẽ mang lại nhiều tiện ích cho hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt.
Đó là nâng cao số lượng xe phục vụ, tăng cường tần suất hoạt động của các tuyến xe buýt trên địa bàn, đảm bảo tần suất hoạt động giờ cao điểm 15 – 20 phút và giờ thấp điểm 30 phút.
Từ đó, rút ngắn được thời gian chờ xe so với trước đây, phục vụ người dân được tốt hơn”, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP Cần Thơ chia sẻ.
Như vậy, hiện nay có 6/7 tuyến xe buýt nội tỉnh đang hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ đang sử dụng dòng xe buýt Minibus gồm tuyến Cần Thơ – thị trấn Phong Điền – kéo dài thị trấn Một Ngàn (tỉnh Hậu Giang); Ô Môn – ngã ba Lộ Tẻ; sân bay Cần Thơ – bến xe khách Trung tâm – kéo dài thị trấn Mái Dầm (tỉnh Hậu Giang); Ô Môn – Vĩnh Thạnh; ngã ba Lộ Tẻ – Kinh B và ngã ba Lộ Tẻ – thị trấn Cờ Đỏ.
Riêng tuyến xe buýt Ba Láng - Ô Môn là tuyến xe buýt có lượng hành khách rất lớn sẽ tiếp tục sử dụng dòng xe buýt B40 như trước đây để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo thống kê, mỗi ngày xe buýt Cần Thơ phục vụ hơn 2.000 lượt hành khách. Có thể nói, sự xuất hiện của xe buýt hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt giao thông TP, thổi làn gió mới vào hoạt động VTHKCC bằng xe buýt vốn đã chìm lắng trong khoảng thời gian dài.
Việc đưa xe buýt chất lượng cao vào hệ thống VTHKCC công cộng được kỳ vọng không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn thay đổi, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giúp người dân có thêm sự lựa chọn phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại.
Mặt khác việc khai thác, mở mới các tuyến xe buýt phủ sóng khắp các quận, huyện còn góp phần trong việc tiếp cận đến hầu hết người dân kết nối giao thông giữa các quận, huyện... trên địa bàn.