Xe công nghệ kiểu Grab, Be… sẽ được quản lý như taxi?
Theo dự thảo Luật Đường bộ, ô tô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be... sẽ được xếp vào loại hình taxi và phải chịu các điều kiện liên quan.
Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Luật Đường bộ, được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo luật hiện hành, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.
Trong dự thảo mới, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định taxi là loại hình kinh doanh vận tải khách sử dụng ô tô con. Taxi có thể tính tiền cước qua đồng hồ hoặc phần mềm kết nối với hành khách qua phương tiện điện tử. Như vậy, ô tô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be... sẽ được xếp vào loại hình taxi.
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ô tô phải có giấy phép kinh doanh; ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của người lái xe; lưu trữ giao dịch tối thiểu 2 năm...
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu 2 điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng.
Vì vậy, Bộ đề xuất ghép chung loại hình xe du lịch với xe hợp đồng, được phân loại là xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi.
Trước đây, taxi công nghệ không phải chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe và phải niêm yết giá như taxi.
Được biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe bus, xe hợp đồng và du lịch. Theo đánh giá, việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe.
Năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh.
Đáng chú ý, Nghị định 10 cho phép taxi và "taxi công nghệ" được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Nghị định này cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn, nhưng yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe. Nghị định mới quy định niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe. Theo đó, xe hợp đồng như Grab hay BE phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe…
Trả lời báo chí, ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thời gian gần đây, doanh nghiệp taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống. Ngoài ra, xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt taxi, đặt xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ thông qua các thiết bị thông minh.
Trong khi đó, loại hình xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử và taxi đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh. Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải thực hiện “cước tính theo đồng hồ tính tiền”. Đồng thời, phải có quy định để làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp, ứng dụng và sử dụng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải.
Cũng theo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, không chỉ quy định tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi, thậm chí có thể có 3 loại taxi.
Loại thứ nhất là có mào và không ứng dụng công nghệ; loại thứ 2 là có mào và ứng dụng công nghệ; loại 3 là ứng dụng công nghệ và không cần mào. Dù chia là loại taxi nào thì sẽ cùng bộ nhận diện taxi và cùng chung một điều kiện.