Xe cứu hỏa mini lưu động: Cần rõ điều kiện, quy chuẩn trong sản xuất

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt mô hình xe tự chế phục vụ công tác cứu hỏa ban đầu - còn gọi là xe chữa cháy mini lưu động.

Các phương tiện này bước đầu cho thấy tính hiệu quả. Song với cách chế tạo, hoán cải theo kiểu “trăm hoa đua nở”, các xe không được kiểm định, đăng kiểm bởi thiếu điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định...

Các xe máy chữa cháy lưu động phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Các xe máy chữa cháy lưu động phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Phù hợp với địa bàn có nhiều ngõ, ngách

Sáng 5-10 vừa qua, Công ty cổ phần ô tô số 3 đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn sử dụng và bàn giao cho tổ dân phố Đoàn Kết (phường Biên Giang, quận Hà Đông) 1 xe chữa cháy mini lưu động. Đây là chiếc xe đã giúp lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở tổ dân phố Đoàn Kết đoạt giải Nhất trong Hội thi phòng cháy, chữa cháy quận Hà Đông.

Tổ trưởng tổ dân phố Đoàn Kết Lê Đình Vượng cho biết, từ thực tiễn trên địa bàn có nhiều ngõ, ngách, xe chữa cháy chuyên nghiệp khó tiếp cận, Câu lạc bộ trung thanh niên của tổ dân phố đã tâm huyết, đầu tư kinh phí và nhờ Công ty cổ phần ô tô số 3 nghiên cứu, chế tạo xe chữa cháy mini để tặng tổ dân phố.

Xe được hoán cải từ xe máy, phía sau xe mang theo thùng nước 1 khối, cùng 1 máy hút, đẩy nước; 1 máy phát điện; vòi phun, vòi hút nước... cùng các dụng cụ cần thiết khác. Khi vận hành, vòi nước phun cao đến nóc nhà 3 tầng, xe rộng chỉ 1,2m nên dễ dàng tiếp cận hầu hết ngõ nhỏ. Với chi phí vừa phải, mô hình này có thể kêu gọi sự chung tay, xã hội hóa trong toàn dân. Hơn nữa, khi kết hợp với mô hình tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy hiện có, sẽ hỗ trợ nhau rất hiệu quả.

Trung tá Bùi Văn Huy, Trưởng Công an phường Biên Giang phân tích thêm, xe chữa cháy mini phát huy sức mạnh vào thời điểm “vàng” khi đám cháy mới phát sinh, góp phần xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Với tính hiệu quả đó, phường đang tính toán tiếp tục nhân rộng, cố gắng mỗi tổ dân phố có 1 xe.

Là địa bàn có nhiều nhà trọ trong ngõ nhỏ, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cũng vừa đưa mô hình xe chữa cháy mini vào hoạt động. Trường hợp xảy ra cháy, xe được huy động đến trước để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy ban đầu. Xe được thiết kế gồm: Xe máy, động cơ bơm nước, vòi phun nước...

Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền cho biết: “Cái khó đã ló cái... hiệu quả”; với dụng cụ được trang bị trên xe, người vận hành có thể kìm hãm được tốc độ lan của đám cháy lớn và dập tắt hoàn toàn đám cháy nhỏ.

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận, Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận đang bố trí 2 xe máy chở phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu trên nền tảng xe máy, lắp thêm giá đặt phương tiện. Còn tại các phường, phương tiện chữa cháy được thiết kế trên xe ô tô tải 5 tạ, bổ sung máy bơm khiêng tay, lăng, vòi, bình chữa cháy... Việc bố trí như vậy giúp công an các phường nhanh chóng tiếp cận hiện trường đám cháy, xử lý tình huống ban đầu, nhất là trong ngõ nhỏ, ngõ sâu.

Để được đăng ký “khai sinh”

Đánh giá về xe chữa cháy mini, Thượng tá Đỗ Anh Quyến nhận định, thực tế trên cả nước các mô hình xe tự chế phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu đang phát triển rầm rộ nhưng đều chưa được kiểm định và đăng kiểm, nhất là các loại xe ô tô chữa cháy mini.

Hầu hết các xe đều hoán cải từ xe tải cỡ nhỏ, gia công thêm chi tiết và bổ sung, lắp đặt trang, thiết bị phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu. Đối với mô hình xe máy, xe ba bánh tự chế cũng tương tự. Ưu điểm là dễ nhân rộng, dễ đầu tư trang bị, phù hợp thực tiễn. Nhược điểm là xe chưa được kiểm định chất lượng, tính an toàn và hiệu suất công năng chưa cao. Mỗi nơi một ý tưởng nên thiết bị không đồng bộ. Hơn nữa, việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn của xe chữa cháy...

Là người trực tiếp chế tạo xe chữa cháy mini cho tổ dân phố Đoàn Kết (phường Biên Giang, quận Hà Đông), Giám đốc Công ty cổ phần ô tô số 3 Trần Văn Hiệu cho biết, mô hình này hoàn toàn có thể sản xuất đại trà, nhưng rất khó được kiểm định, đăng kiểm vì hoán cải từ xe máy. Trong khi đó, nếu gia công từ ô tô tải loại nhỏ, kể cả xe tải 500kg cũng không cơ động vào được các ngõ, ngách, mà chi phí lại cao hơn rất nhiều. Do đó, rất cần sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để các nhà sản xuất sáng chế, chế tạo ra những mô hình được pháp luật công nhận.

Từ thực tế trong công tác quản lý, theo Trung tá Bùi Văn Huy, Trưởng Công an phường Biên Giang, hiện cơ quan chức năng chưa đưa ra khuyến cáo, điều kiện, tiêu chuẩn để các cá nhân, đơn vị dựa vào đó sản xuất. Đến nay, các mô hình đã xuất hiện nhiều, rất mong cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá và đưa ra định hướng phù hợp để xe chữa cháy mini được đăng ký “khai sinh”...

Xe chữa cháy mini ra đời đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn, song nếu được sản xuất với tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định, phương tiện này sẽ được “chính danh” và phát huy hiệu quả.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xe-cuu-hoa-mini-luu-dong-can-ro-dieu-kien-quy-chuan-trong-san-xuat-682436.html