Xê dịch để yêu thương
Vài năm trở lại đây, thay vì nằm nhà 'nhấm nháp' những ngày Tết, một bộ phận người trẻ thích xê dịch chọn cho mình một phương thức khác: Phượt Tết. Phượt Tết không chỉ là cơ hội để họ được trải nghiệm, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào về quê hương đất nước mà họ còn mang đến những mảnh đời khốn khó ở một vùng đất lạ, những món quà đầy thân thương...
“Phượt” để khơi dậy tình yêu quê hương
Với dân “phượt”, không gì tuyệt vời hơn việc khởi động năm mới bằng một hành trình khám phá ở một miền đất lạ. Và thông thường, họ chọn cho mình những vùng núi - nơi thiên nhiên còn hoang sơ và cuộc sống người dân còn khó khăn. Họ đặt mục tiêu khám phá các vùng đất lạ với phong tục, tập quán, con người khác lạ và một phần không thể thiếu là mang đến cho người dân bản địa những món quà để ngày Tết thêm phần ấm áp.
Vũ Tuấn Dũng, một chàng trai Hà Nội (sinh năm 1984), thành viên câu lạc bộ dù lượn tại Hà Nội đã quen với cảm giác “phượt” ngày Tết. “Sau khi tốt nghiệp đại học trong nước vào năm 2006, tôi đi du học tại Đan Mạch. Lúc đó, vào Tết dương lịch, sinh viên, bạn bè tại nước ngoài đều nghỉ ăn Tết dương. Nhóm sinh viên châu Á rủ nhau đi ngắm phong cảnh, khám phá sinh hoạt của người dân. Kể từ đó, tôi quen với cảm giác phượt Tết” - Dũng chia sẻ.
Năm 2013, anh trở về quê công tác tại một trường ĐH ở Hà Nội nên thời gian nghỉ Tết sớm và kéo dài. Với sở thích “bay lượn”, Dũng tìm đến với môn thể thao dù lượn. Cũng từ môn thể thao dù lượn anh quen người vợ của mình. Dũng chia sẻ, cứ trước Tết một tuần, gia đình lại về quê (Hưng Yên) để tảo mộ. Sát Tết, Dũng chở cha mẹ về quê một lần nữa để thăm hỏi họ hàng. Những ngày sau đó, Dũng lại gói ghém dù lượn để lên đường. Đích đến của chuyến du ngoạn dài hơn nửa tháng của Dũng là vùng núi Tây Bắc. Đó là những ngày ở Hà Giang, thăm cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng hoặc có thể là những khi hòa trong sương mù, đào rừng Sapa (Lào Cai), rồi sang Mộc Châu (Sơn La). “Có đi mới thấy đất nước mình thật đẹp, mới ngắm được những cung đường hùng vỹ, gặp những con người hiền hậu. Không khí Tết ở các vùng rất lạ. Ở đó, mỗi chuyến bay dù lượn là một cảm giác khác, mỗi lần hạ cánh ở đâu, người dân sẵn sàng mời ăn Tết cùng. Ở đó, tôi được uống rượu hâm nóng, như một con chim bay lượn trên những triền đồi, cánh rừng ngắm hoa đào, hoa ban nở, ăn Tết cùng bà con dân tộc, thực sự là cái Tết thú vị và đáng nhớ”, Dũng chia sẻ.
Lần phượt Tết đầu tiên, Dũng rất đắn đo khi phải xa gia đình,đặc biệt là quãng đường đèo dốc hơn 500 km từ Hà Nội – Cao nguyên đá Đồng Văn. Không đợi đến mùa hoa tam giác mạch, Dũng quyết định dành trọn thời gian nghỉ Tết cho chuyến đi phượt khám phá mảnh đất và con người Hà Giang và lưu lại cảm xúc đáng nhớ nơi địa đầu Tổ quốc. “Không thể quên cảm giác lượn xe máy trên cung đường ngoằn ngoèo, đèo dốc thăm thẳm ở Mã Pì Lèng, trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đến cái lạnh buốt của vùng cao, với giây phút thiêng liêng khi cất cao bài Quốc ca vào dịp năm mới ngay trên cột cờ Lũng Cú. Những giây phút ấy khiến lòng mình nung nấu khát vọng khởi nghiệp, thôi thúc bản thân đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, Dũng kể.
Và nối nhịp cầu nhân ái
Trên diễn đàn, hội nhóm của Dũng thường chia sẻ về những đôi chân trần trong nắng nóng, những mái nhà xiêu vẹo, những đứa trẻ run rẩy trong giá rét, những mảnh đời gian khó, không biết chữ ở vùng cao… Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi dịp Tết, một số anh em câu lạc bộ dù lượn của Dũng lại rủ nhau quyên góp tiền hoặc hiện vật (chăn màn, quần áo ấm, sách vở…) để giúp người dân và trẻ em nghèo vùng cao có cái Tết ấm áp hơn.
Khác hẳn với những hội, nhóm “phượt thủ” chỉ hẹn hò nhau rồi chạy xe đến một vùng đất nào đó để “check in” (Chụp những tấm hình sau đó đăng tải trên mạng xã hội), một số nhóm xây dựng kế hoạch “phượt” những ngày Tết với những hoạt động ý nghĩa tại điểm đến. “Phượt không phải là bụi bặm. Đó phải là những chuyến du lịch sạch, thể hiện ý thức trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện”, Nguyễn Bảo Long, một thành viên của nhóm “Bạn ngồi cùng bàn” nói khi lên kế hoạch cho những ngày “Tết 4 có” sắp tới. Bốn có gồm: Có bánh chưng; có thịt; có quần, áo mới; có bánh kẹo cho đồng bào nơi nhóm đến.
Tâm trí Long vẫn in sâu cảm giác được đi đến tận nơi, trao tận tay từng túi quà nhỏ nhưng ý nghĩa với người dân vùng cao: “Mỗi chuyến đi được gặp, được cảm nhận những số phận còn thiệt thòi đó giúp mình nhận thức và trân trọng hơn cuộc sống đang có. Nếu có thể sẻ chia được ở nhiều nơi hơn nữa, nếu có thể giúp đỡ và tìm hiểu nhiều cuộc đời, số phận ở nhiều mảnh đất hơn nữa thì mình nghĩ phượt sẽ là cây cầu nhân ái”.
Còn các bạn trẻ trong nhóm “Phượt – Chắp cánh ước mơ” ở Hà Nội (hơn 5.000 thành viên) thì từ thiện là một tôn chỉ không thể thiếu trong những buổi nhóm đi phượt. Kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Ngọc Trăng, trưởng nhóm kể: Sau một thời gian làm việc tại TPHCM chuyển về Hà Nội công tác, được một người anh đưa đi trong 1 chuyến “phượt” thế là Trăng bén duyên. Hàng quý, nhóm của Trăng lên kế hoạch thực hiện một chuyến đi. Từ các chuyến đi, Trăng nhận thấy trẻ em vùng núi còn quá khó khăn nên anh lóe lên suy nghĩ “hay là làm một cái gì cho các cháu đi”. Và từ năm 2015 đến nay, có hàng chục chương trình thiện nguyện được anh xây dựng và thực hiện, nhất là vào dịp Tết.
Trăng và nhóm của anh vẫn nhớ mãi chuyến đi mùa đông năm trước, khi cả nhóm phăm phăm trên những chiếc xe máy mang theo những túi đồ dùng, quần áo họ miệt mài quyên góp nhiều tháng trước để thực hiện cuộc hành trình tới một điểm trường tại Cốc Pài (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Sau khi vượt một chặng đường dài, 10 km cuối cùng, nhóm của Trăng phải đi mất 3 giờ. Lúc đó, nhìn thấy nhóm phượt của Trăng với quần áo lấm lem, trên vai là ba lô đựng cá biển, mì tôm, cặp sách… các cô giáo vùng cao òa khóc. Hay, hình ảnh các cháu tự tay viết lên những quả bóng bay (được nhóm chuẩn bị từ trước) mong ước của mình, đôi mắt chăm chăm nhìn theo khi thả bóng bay lên, khiến anh không thể nào quên. “Chúng tôi thấy, cuộc sống của các cháu thiếu thốn và vất vả quá, chân trần, áo mỏng vui chơi dưới cái lạnh thấu xương của mùa đông. Thả bóng, tặng quà với mong muốn khơi dậy ý chí để lý tưởng bay cao, bay xa, để phấn đấu thoát nghèo”, Trăng chia sẻ.
Tết năm nay, Nguyễn Bảo Long và những người bạn lại chuẩn bị túi ngủ, tất chống nước, túi thuốc đa năng cùng chiếc ba-lô du lịch quen thuộc để tham gia chuyến đi về nơi địa đầu Tổ quốc đã ủ từ mấy tháng qua. Chiếc xe máy vốn gắn liền với hàng chục chuyến đi dài ngày trước đây cũng được anh đưa đi bảo dưỡng; trên xe cũng đã sẵn túi đồ nghề sửa chữa di động. Tết này, chàng trai Hà thành lại cùng nhóm bạn đi “nối nhịp cầu nhân ái”.
“Mỗi chuyến đi được gặp, được cảm nhận những số phận còn thiệt thòi đó giúp mình nhận thức và trân trọng hơn cuộc sống đang có. Nếu có thể sẻ chia được ở nhiều nơi hơn nữa, nếu có thể giúp đỡ và tìm hiểu nhiều cuộc đời, số phận ở nhiều mảnh đất hơn nữa thì mình nghĩ phượt sẽ là cây cầu nhân ái”.
Nguyễn Bảo Long
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/xe-dich-de-yeu-thuong-1791776.tpo