Xe điện - chìa khóa giúp Mỹ tiết kiệm tới 188 tỷ USD chi phí y tế vào năm 2050
Nghiên cứu mới cho thấy việc điện hóa giao thông tại Mỹ có thể giúp tiết kiệm từ 84 đến 188 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe vào năm 2050 nhờ cải thiện không khí.
Kết quả từ nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Kỹ thuật Dân dụng và Khoáng sản, Đại học Toronto (Canada), cho thấy, nếu quá trình điện hóa giao thông tại Mỹ được triển khai mạnh mẽ và kết hợp với việc sử dụng năng lượng tái tạo, tổng chi phí y tế có thể giảm từ 84 đến 188 tỷ USD vào năm 2050.
Ngoài ra, xe điện còn góp phần loại bỏ đáng kể các tác nhân ô nhiễm như NOₓ, SOₓ và bụi mịn PM2.5 - những yếu tố được chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến các bệnh về tim mạch, hô hấp và tử vong sớm.

Xe điện giúp người Mỹ giảm từ 84 đến 188 tỷ USD chi phí y tế của người Mỹ năm 2050. (Ảnh: The New York Times)
Theo nghiên cứu, trong tất cả các kịch bản mô phỏng - từ kịch bản không sản xuất thêm xe điện đến kịch bản toàn bộ xe mới bán ra từ năm 2035 đều là xe điện - lợi ích sức khỏe cộng đồng đều gia tăng đáng kể nếu xe điện trở thành phương tiện phổ biến.
Giáo sư Marianne Hatzopoulou, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Khi đánh giá xe điện, nhiều người chỉ chú trọng đến khía cạnh khí hậu. Nhưng ô nhiễm không khí - vốn là sản phẩm phụ của giao thông chạy động cơ đốt trong - mới là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm tại các đô thị lớn.”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, liên quan trực tiếp đến các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, hô hấp và ung thư phổi.
Giáo sư Daniel Posen, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: “Khác với CO₂ tồn tại lâu dài trong khí quyển, các chất như NOₓ và PM2.5 tác động trực tiếp và tức thì đến sức khỏe cộng đồng, nhất là những người sống gần các tuyến giao thông lớn.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, để hiện thực hóa lợi ích sức khỏe cộng đồng, quá trình "xanh hóa" lưới điện phải đi song hành với việc thúc đẩy xe điện.
“Nếu chúng ta chờ đợi đến khi lưới điện hoàn toàn không phát thải mới bắt đầu điện hóa giao thông, chúng ta sẽ mất đi cơ hội cải thiện sức khỏe cộng đồng ngay từ bây giờ”, Giáo sư Hatzopoulou cảnh báo.
Xe điện không chỉ không thải khí độc, mà còn hoạt động gần như không phát ra tiếng động cơ ở tốc độ thấp. Nghiên cứu của SINTEF (Na Uy) cho thấy xe điện có thể giảm mức ồn từ 4 đến 5 dB so với xe động cơ đốt trong, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng sống đô thị.
Tại Việt Nam, dù còn ở giai đoạn chuyển đổi, người dùng xe điện ghi nhận những thay đổi tích cực, không chỉ về chi phí mà còn về sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Anh Phạm Hữu Tâm, sinh sống tại Hà Nội, hiện đang sử dụng một mẫu ô tô điện trong công việc kinh doanh cho biết: “Điều tôi nhận thấy rõ nhất là giảm mệt mỏi sau mỗi chuyến đi. Không có mùi nhiên liệu, không tiếng ồn động cơ - đi xe điện dễ chịu hơn nhiều.”
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Minh Thảo, làm việc tại Hà Nội, người chuyển sang sử dụng xe máy điện gần một năm nay chia sẻ: “Tôi bị viêm mũi dị ứng, trước đây đi đường hở rất khó chịu vì khói bụi. Từ khi dùng xe điện, tôi thấy đỡ rõ rệt. Nhà tôi ở gần đường lớn nên càng cảm nhận rõ việc xe chạy êm là một lợi thế lớn.”
Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu xu hướng điện hóa giao thông tiếp tục, đến năm 2035, xe điện có thể chiếm 65% thị phần toàn cầu, giúp cắt giảm hơn 1,5 tỷ tấn CO₂ mỗi năm. Bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng không khí và hạn chế tiếng ồn từ xe cộ cũng là một trong những giải pháp thiết thực để xây dựng đô thị bền vững.