Xe điện, hybrid được đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung xe điện và hybrid vào đối tượng được ưu đãi thuế TTĐB nhằm phát triển ngành công nghiệp xe năng lượng sạch trong nước.

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung xe điện, hybrid vào nhóm được ưu đãi thuế TTĐB. Ảnh: Duy Hiệu.
Sáng 9/5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế này.
Bổ sung xe điện, hybrid vào đối tượng ưu đãi thuế TTĐB
Đưa góp ý, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết dự thảo Luật hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế cho xe điện, xe hybrid, điều này có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang phương tiện sạch, đồng thời không khuyến khích giảm phát thải.
Do đó, theo ông, việc chưa bổ sung xe điện, xe hybrid vào nhóm đối tượng được ưu đãi thuế TTĐB là chưa phù hợp.
Đại biểu đề nghị sửa Điều 8, bổ sung ưu đãi thuế TTĐB cho xe điện, xe hybrid chỉ chịu 70% thuế TTĐB so với xe xăng, đồng thời duy trì thuế suất thấp cho xe thuần điện sau năm 2027.
“Chính sách tổng thể như vậy sẽ đặt người dân làm trung tâm, người dân sẽ được hưởng lợi từ các phương tiện giao thông hiện đại, chi phí vận hành thấp, Nhà nước thì đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển ngành công nghệ cao, doanh nghiệp nội địa có cơ hội vươn lên dẫn đầu thị trường xe sạch trong khu vực”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Với sản phẩm nước giải khát có đường, ông Khải cho biết dự thảo Luật hiện quy định áp thuế TTĐB 10% là thiếu lộ trình và có thể gây sốc cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Theo ông, hiện khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại các sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga.
“Thực tế, hơn 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng”, đại biểu nói và cho biết việc áp thuế 10% với các sản phẩm này là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam. Ảnh: Quochoi.
Ông đề nghị lùi thời điểm áp thuế TTĐB với nước ngọt 1 năm, và áp dụng mức thuế 8% trong năm đầu rồi nâng lên 10% các năm tiếp theo. Giải pháp này giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.
Với sản phẩm điều hòa, ông Khải cho biết dự thảo hiện đề xuất áp thuế 10% đối với điều hòa công suất nhỏ hơn hoặc bằng 90.000 BTU. Tuy nhiên, sản phẩm này đã trở thành mặt hàng thiết yếu nên việc áp thuế cũng không hợp lý.
Theo đại biểu, nên miễn thuế TTĐB với điều hòa công suất này, dù ngân sách Nhà nước có thể giảm một phần thu từ thuế TTĐB nhưng sẽ được bù đắp bằng các lợi ích xã hội dài hạn. Người dân, người lao động có thể giảm được chi phí sinh hoạt, tiếp cận được với môi trường sống tốt hơn, đảm bảo sức khỏe để tái sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay.
Đồng thời, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn sẽ kích thích sản xuất, từ đó Nhà nước có thể tăng thu thuế VAT, thuế TNDN.
Tương tự, với xăng dầu, đại biểu Trần Văn Khải cũng đề xuất chưa đưa mặt hàng này vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB mà chỉ thu thuế BVMT, đồng thời khuyến khích phát triển các năng lượng sạch thay thế.
Thay đổi thuế suất và lộ trình áp thuế với rượu, bia, thuốc lá
Trước đó, trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đã lý giải về việc đưa một số mặt hàng vào diện chịu thuế TTĐB.
Trong đó, với điều hòa nhiệt độ, hiện nay, nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc đưa điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các sản phẩm điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU, sẽ không bị đánh thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quochoi.
Với nước giải khát có đường, ông Mãi cho biết đề xuất áp thuế đối với sản phẩm này là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất áp thuế của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế.
Tuy vậy, ông Mãi cho rằng do mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp.
Sau khi tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉnh lý dự thảo Luật theo lộ trình: Từ năm 2027 áp thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế 10%.
Về thuế suất đối với rượu, bia, thuốc lá, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đã đưa ra 2 phương án tăng thuế và đề xuất áp dụng theo phương án 2. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, Chính phủ đề nghị áp dụng theo phương án 1 với mức thuế thấp hơn phương án 2 và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật như đề nghị của Chính phủ. Trong đó, các sản phẩm rượu trên 20 độ và bia sẽ chịu mức thuế suất tăng theo từng năm, mỗi năm tăng 5%. Năm 2027 áp 70% và tăng lên 90% đến năm 2021.