ĐBQH trăn trở, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần

Theo các ĐBQH, nếu không có chế tài đủ mạnh thì không thực hiện được các cam kết về môi trường mà Việt Nam đã đề ra. Vì vậy, cần bổ sung đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa, trong đó có túi nilon.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận ngày 9/5, về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều ĐBQH bày tỏ trăn trở và đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa dùng một lần.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thuế TTĐB cũng cần được áp vào sản phẩm tiêu dùng từ nhựa, nhất là túi nilon. “Ngoài chợ tràn lan sản phẩm nhựa (túi nilon) nhưng dự thảo chưa đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế”, ông Hòa nói.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) trong phiên thảo luận.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) trong phiên thảo luận.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có túi nilon gây ô nhiễm môi trường nặng nề, đồng thời đề xuất, cần đưa túi ni lông vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện các cam kết về môi trường. Đại biểu cho rằng, cần áp thuế TTĐB đối với mặt hàng này nhằm dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, góp phần giảm phát rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, theo bà Tâm, nếu không có chế tài đủ mạnh thì không thực hiện được các cam kết về môi trường mà chúng ta đã đề ra. “Vì thế phải bổ sung để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa, trong đó có túi ni lông", bà Tâm nói.

Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng nêu rằng, cần cân nhắc, xem xét đưa sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm thân thiện với môi trường, thay đổi hành vi tiêu dùng và phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xây dựng lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi và người dân thích ứng với sự thay đổi hành vi sử dụng.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đề xuất thu thuế TTĐB với mặt hàng nhựa, túi nilon, Bộ trưởng xin tiếp thu và tiếp tục rà soát; hiện đã đánh thuế bảo vệ môi trường kịch khung với mặt hàng này, sẽ tiếp tục nghiên cứu có tiếp tục đánh thuế TTĐB không.

Về thời hạn áp dụng với tất cả mặt hàng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát các mặt hàng nào sẽ áp dụng từ năm 2026 và mặt hàng nào lùi thời gian áp dụng đến 2027 để vừa thực hiện mục tiêu của Quốc hội nhưng đồng thời cũng tránh cú sốc với doanh nghiệp.

Chỉ còn gần 7 tháng nữa, quy định không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch sẽ có hiệu lực. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên liên quan để bảo đảm tiến độ đề ra.

Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon trong một tháng. Hơn 80% số túi nilon này đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần, nhưng số lượng được xử lý là rất ít.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Khi được thải ra môi trường, có những loại nhựa có thể phân hủy sau vài tuần, vài tháng, vài năm, cũng có loại phải mất cả trăm năm để các vi sinh vật có thể phân hủy. Nếu đốt thì những loại nhựa như PVC sẽ tạo khí HCl có tính axit cao và dioxin gây ung thư.

Do đó việc xử lý một lượng khổng lồ chất thải nhựa, túi nilon mà không gây ô nhiễm môi trường là một thách thức lớn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và cũng là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dbqh-tran-tro-de-xuat-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-tui-nilon-nhua-su-dung-1-lan-1106676.html