Xe điện Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường châu Âu với cuộc đua hạ giá

Việc ôtô điện của Trung Quốc tràn vào thị trường hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng phương Tây, nhưng lại là yếu tố bất lợi cho các nhà sản xuất ôtô ở châu Âu.

Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ôtô quốc tế ở Munich, Đức ngày 8/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ôtô quốc tế ở Munich, Đức ngày 8/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc đặt mục tiêu hướng tới người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp lớn bằng những chiếc xe giá cả phải chăng đi kèm với xếp hạng an toàn hàng đầu và nhiều tính năng công nghệ cao.

Nhu cầu cao đối với xe EV trong bối cảnh chuỗi cung ứng thiếu hụt đã khiến các nhà sản xuất ôtô châu Âu tăng giá xe EV và tập trung nhiều hơn vào các khách hàng bán lẻ, thay vì những khách hàng như các công ty cho thuê ôtô vốn thường mang lại ít lợi nhuận hơn. Chính điều đó đã tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường sản xuất xe EV

Theo Schmidt Automotive Research, vào nửa cuối năm 2023, Trung Quốc đã chiếm khoảng 10% thị trường xe điện châu Âu. Việc ôtô điện của Trung Quốc tràn vào thị trường hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng phương Tây, nhưng lại là yếu tố bất lợi cho các nhà sản xuất ôtô ở châu Âu.

Một chiếc xe điện Tesla thông thường có thể có giá 40.000 bảng Anh (50.492 USD), trong khi các mẫu xe của BYD có giá chỉ 8.000 bảng Anh (10.097 USD).

Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (T&E) cho biết, tỷ lệ xe sản xuất tại Trung Quốc trong khu vực này dự kiến sẽ tăng lên hơn 25% trong năm 2024, khi các thương hiệu Trung Quốc như BYD tăng cường mở rộng toàn cầu.

BYD cũng đã vượt qua Tesla để trở thành hãng bán xe điện nhiều nhất trên toàn thế giới trong ba tháng cuối năm 2023. Hãng đã bán được 525.409 xe điện chạy pin (BEV) trong thời gian trên, so với mức 484.507 chiếc của Tesla.

Tại Diễn đàn xe điện thường niên China EV100 tổ chức tại Bắc Kinh mới đây các giám đốc điều hành doanh nghiệp và nhiều quan chức chính phủ cấp cao liên quan đến chính sách phát triển xe EV đã công bố các kế hoạch hỗ trợ sự phát triển của ngành.

Cụ thể, cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Trung Quốc Wan Gang đã kêu gọi đẩy mạnh đổi mới trong sản xuất chất bán dẫn và các lĩnh vực khác quan trọng đối với xe EV và xe tự hành.

Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) Zheng Shanjie cho biết, Trung Quốc có kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các linh kiện ôtô khác.

Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC), ông Gou Ping, cũng công bố kế hoạch nâng cao năng lực phát triển tại ba nhà sản xuất ôtô là China FAW Group, Dongfeng Motor và Chongqing Changan Automobile.

Hiện tại, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng xe EV vì đóng góp hơn 3/4 năng lực sản xuất pin của thế giới. Quốc gia này cũng kiểm soát hơn 2/3 các thành phần cần thiết để sản xuất pin xe EV - một lợi thế mà Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia đang nỗ lực theo đuổi.

Chính vì thế, các hãng xe của đất nước tỷ dân này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mà không bị phụ thuộc vào bất cứ bên thứ ba nào.

Cuộc đua hạ giá bán xe

Không chỉ chạy đua về mẫu mã, công suất, các hãng sản xuất xe EV tại Trung Quốc đang chuyển hướng tham gia những "cuộc chiến" hạ giá sản phẩm.

Nhà sản xuất ôtô BYD của Trung Quốc vừa giảm 5% giá chiếc ôtô điện Seagull rẻ nhất của họ. Giá của chiếc Seagull hiện nay sẽ khởi điểm từ 69.800 nhân dân tệ (9.700 USD).

 Xe ôtô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại khu cảng ở thành phố Thái Thương thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Xe ôtô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại khu cảng ở thành phố Thái Thương thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

BYD cũng đã định giá phiên bản mới của mẫu xe bán chạy nhất của hãng - chiếc crossover Yuan Plus được gọi là Atto 3 ở thị trường nước ngoài - giảm gần 12% so với mẫu trước đó.

Trước đó, hãng đã đưa ra các phiên bản mới xe sedan Han và SUV Tang có giá rẻ hơn và một số mẫu xe khác cũng giảm giá nhiều hơn so với năm 2023.

Nhiều nhà sản xuất ôtô cũng đã tung ra các chương trình giảm giá mới bao gồm Tesla, Geely Auto, GAC Aion, Leapmotor và Xpeng.Ông Eric Han, Giám đốc cấp cao của Suolei, cho biết, một cuộc cạnh tranh giá bán xe khốc liệt đã được phát động kể từ khi BYD và Xpeng quyết định hạ giá xe để tăng doanh số.

Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh cũng buộc phải giảm giá theo để tránh mất thị phần.

Theo HSBC, Trung Quốc sẽ chào đón màn ra mắt của hơn 100 mẫu xe điện trong năm 2024. Với sự cạnh tranh gắt gao như vậy, các doanh nghiệp sản xuất ôtô luôn phải tìm cách đổi mới và bổ sung thêm nhiều tính năng công nghệ vào sản phẩm.

Đây chính là dấu ấn khiến cho bản thân mẫu xe và cả hãng xe luôn luôn hấp dẫn khách hàng.

Một báo cáo của Bloomberg's New Energy Finance dự đoán rằng doanh số bán xe EV sẽ đạt 56 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm 2040 - tương đương với 58% tổng số ôtô được bán trên toàn thế giới.

Họ cũng tin rằng thị phần ôtô điện của Trung Quốc sẽ chiếm 40% vào cuối thập kỷ này - một dự báo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xe-dien-trung-quoc-chiem-linh-thi-truong-chau-au-voi-cuoc-dua-ha-gia-post939150.vnp