Xe điện Trung Quốc: Những góc nhìn khác

Mặc dù ô tô Trung Quốc đang có mức giá phải chăng hơn, song Australia cũng như nhiều quốc gia khác trong những năm gần đây đã nhận ra rằng việc 'bỏ hết trứng vào một giỏ' có thể gây đôi chút rủi ro.

Mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ô tô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 16/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ô tô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 16/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang tin ABC News (Australia), với việc Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất xe điện của đất nước, xe điện Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn hợp lý đối với người tiêu dùng, giành được ưu thế so với các công ty dẫn đầu ngành này trên toàn thế giới.
Cuối năm ngoái, doanh nghiệp ô tô Trung Quốc BYD đã vượt qua nhà sản xuất Tesla (Mỹ) để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Kể từ đó, hai nhà sản xuất này đã cạnh tranh nhau để giành vị trí dẫn đầu dựa trên doanh số hàng quý.
Hiện tại, hơn 80% xe điện bán ra ở Australia - trong đó có Tesla - đều được sản xuất tại Trung Quốc, và các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đang bắt đầu khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Có ý kiến cho rằng thương hiệu Tesla đang được đánh giá cao quá mức và không có nhiều khác biệt về chức năng giữa Tesla và BYD.
Tesla vẫn là công ty dẫn đầu thị trường ở Australia - chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện vào năm ngoái - nhưng BYD sắp đặt dấu chấm hết cho điều đó, vì dường như nhà sản xuất này có thể đưa ra mức giá thấp hơn.
Trên thực tế, BYD đã dẫn trước Tesla về doanh số hàng tháng lần đầu tiên vào tháng 1/2024, khi công ty có trụ sở chính tại Mỹ này gặp phải một số vấn đề về chuỗi cung ứng.

Tiến sỹ Scott Dwyer, làm việc tại Viện Tương lai bền vững của Đại học Sydney, cho rằng sự gia tăng số lượng xe điện do Trung Quốc sản xuất đang mang lại lợi ích cho Australia.
Ông nói: “Người Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ và những tiến bộ về xe điện. Họ bán được 30 triệu xe sử dụng năng lượng mới mỗi năm ở Trung Quốc, trong khi ở Australia, chúng tôi chỉ bán được 200.000 xe mỗi năm.
Vì vậy, sự gia tăng các sản phẩm mới từ thị trường Trung Quốc đến Australia mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và đưa công nghệ vào đất nước mà sau đó mọi người có thể sử dụng để giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông của chính họ”.
Doanh số bán xe điện chạy bằng pin ở Australia đã tăng, chiếm 9,5% doanh số bán ô tô mới trong tháng 3/2024, tăng từ mức 6,8% một năm trước đó.
Trung Quốc nhìn thấy tương lai ở xe điện
Xe điện là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tương lai của nền kinh tế nước này, vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực tiếp tục tăng trưởng vượt bậc như những thập kỷ trước.
Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, tháng 4/2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 115.000 xe sử dụng năng lượng mới, trong đó có 41.000 xe của BYD.
Bà Kwangyin Liu - nhà báo chuyên viết về mảng ô tô, biến đổi khí hậu và năng lượng của Tạp chí Commonwealth - cho biết: “Khoảng 15 năm trước, khi chưa ai để ý đến pin, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội. Nước này nhận ra rằng sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh được với Nhật Bản hay Đức… trong lĩnh vực ô tô động cơ đốt trong. Vì vậy, Trung Quốc quyết định tập trung toàn lực vào xe điện và nguyên liệu thô cho pin, đó là lithium-ion”.
Bà Liu cho rằng rõ ràng Trung Quốc đã đầu tư đúng đắn và chất lượng xe điện của Trung Quốc cũng được cải thiện rõ rệt kể từ đó. Bà nói: “Khi xe điện Trung Quốc mới ra đời, chúng có chất lượng thực sự thấp và rất dễ bắt lửa, khiến nhiều người không tin tưởng sử dụng xe điện của nước này”.
Thế nhưng, hiện giờ xe điện của Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều khi so sánh với các thương hiệu của Đức tại một triển lãm ô tô ở Munich năm 2023.
Bà nói thêm: “Mọi người nói rằng chúng thậm chí còn đáng để mua hơn so với các thương hiệu Đức. Xe điện của Trung Quốc và Đức có thông số kỹ thuật và chức năng rất giống nhau, thậm chí đôi khi xe điện của Trung Quốc còn tốt hơn, đặc biệt là khi nói đến chức năng kỹ thuật số. Bên cạnh đó, chúng có mức giá thấp hơn khoảng 20% hoặc 30%… so với các thương hiệu Đức”.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hồi tháng Tư vừa qua cho rằng thành công của họ là nhờ vào sự đổi mới, cạnh tranh và chuỗi cung ứng hiệu quả.

Xe điện Huawei Luxeed S7. Ảnh: carnewschina

Xe điện Huawei Luxeed S7. Ảnh: carnewschina

Trung Quốc trợ giá cho xe điện - tin tốt đối với Australia
Trong khi BYD đang tăng tốc ở Australia và hình ảnh thương hiệu Trung Quốc đang được cải thiện, Mỹ và các nước châu Âu lại ngày càng băn khoăn về tình trạng tràn ngập sản phẩm của các công ty xe điện Trung Quốc.
Giữa tháng Năm vừa qua, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ áp dụng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá khoảng 18 tỷ USD, bao gồm cả việc tăng thuế đối với xe điện từ 25% lên 100%, đồng thời cho rằng Trung Quốc "làm tràn ngập thị trường toàn cầu với hàng xuất khẩu giá thấp bất hợp lý".
Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc áp thuế, cho rằng động thái này sẽ "tác động nghiêm trọng đến bầu không khí hợp tác song phương".
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang điều tra các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc, điều mà người châu Âu lo ngại có thể gây bất lợi cho các nhà sản xuất của họ.
Tiến sĩ Dwyer cho biết: “Các thị trường xuất khẩu điển hình - châu Âu và Mỹ - đã thực sự bắt đầu đưa ra những rào cản thương mại khác nhau và gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu xe điện của Trung Quốc. Vì vậy, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm kiếm và nhận thấy Australia là một thị trường hấp dẫn… khi họ bán được 1,1 triệu ô tô mỗi năm và tỷ lệ sử dụng xe điện đang gia tăng".
Do không có ngành sản xuất ô tô trong nước nên việc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho ngành ô tô điện hầu như không phải là mối bận tâm của Australia. Tiến sỹ Benjamin Herscovitch, đến từ Trường châu Á và Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho biết điều này cuối cùng đã mang đến cơ hội cho người tiêu dùng Australia.
Ông nói: “Nhìn từ quan điểm quốc gia, việc Trung Quốc trợ cấp cho xe điện là thông tin tốt đối với người tiêu dùng Australia vì điều đó đồng nghĩa với việc họ được tiếp cận với nguồn xe điện chất lượng cao, số lượng dồi dào và giá rẻ”.
Rủi ro vẫn tồn tại bất chấp lợi ích
Mặc dù ô tô Trung Quốc đang có mức giá phải chăng hơn, song Australia cũng như nhiều quốc gia khác trong những năm gần đây đã nhận ra rằng việc “bỏ hết trứng vào một giỏ” có thể gây đôi chút rủi ro.
Chuyên gia Marina Zhang, làm việc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Australia, cho biết: “Nếu bạn dựa vào một khu vực cho các sản phẩm lớn như xe điện, điều đó luôn tiềm ẩn rất rủi ro về chuỗi cung ứng, về khả năng sản xuất. Bất kỳ chuỗi cung ứng nào cũng phải đối mặt với những cú sốc bên ngoài…, cả thế giới đã phải vật lộn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với một số nhà cung cấp thiết yếu, vì vậy đó luôn là một mối rủi ro”.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều người tỏ ra lưỡng lự khi mua một chiếc ô tô có thương hiệu quá mới trên thị trường như BYD.
Một số nhà phân tích cho rằng rủi ro lớn nhất không phải là vấn đề nguồn cung mà là vấn đề bảo mật thông tin khách hàng. Ngày càng có nhiều xe điện được trang bị không chỉ điện mà còn có khả năng kết nối với các công nghệ… có khả năng thu thập dữ liệu người dùng. Câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ Australia có đồng ý cho các nhà sản xuất xe điện thu thập dữ liệu đó hay không?
Tiến sĩ Herscovitch cho biết việc giải quyết vấn đề thu thập dữ liệu một cách tốt nhất mới chỉ bắt đầu. Theo ông, cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu an ninh cần thiết để đảm bảo rằng người tiêu dùng Australia được bảo vệ, và người Australia có thể nhập khẩu và sử dụng xe điện một cách an toàn mà không phải chịu rủi ro an ninh quá mức".

Thanh Tú (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xe-dien-trung-quoc-nhung-goc-nhin-khac/337252.html