Xe điện Trung Quốc tràn vào, cần chính sách bảo vệ sản xuất trong nước?

Lo ngại xe điện Trung Quốc tràn vào ngày càng nhiều với giá rẻ, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có các chính sách bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước.

Áp thuế cao ô tô Trung Quốc

Ngày 26/8/2024 vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, nước này sẽ áp mức thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Canada cho rằng ngành ô tô của họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ chính sách sản xuất quá mức và hoạt động phi thị trường của phía Trung Quốc. Trong khi đó, vào tháng 5/2024 Mỹ đã quyết định tăng thuế nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc từ 25% lên 100%. Còn Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt mức thuế quan lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc đã chi 230,8 tỷ USD trong hơn 10 năm qua, để phát triển ngành công nghiệp xe điện. Từ năm 2009 đến 2023, quy mô hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc chiếm 18,8% tổng doanh số bán ô tô điện. Nhờ khoản tài trợ “hào phóng” của chính quyền mà ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đang dư thừa.

Sản xuất ô tô tại Trung Quốc đang dư thừa lớn.

Sản xuất ô tô tại Trung Quốc đang dư thừa lớn.

Trung Quốc có 123 doanh nghiệp sản xuất ô tô với công suất khoảng 40 triệu xe mỗi năm, trong đó có hàng trăm mẫu xe điện. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 22 triệu xe trong số này. Với tình trạng cung vượt xa cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ra toàn cầu. Đến nay “dòng chảy” của ô tô Trung Quốc tràn ra ngoài biên giới ngày càng nhiều. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xuất khẩu 4,91 triệu ô tô ra thế giới, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là xe điện.

Các hãng xe Trung Quốc đang đẩy mạnh tiếp cận các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á… Xu hướng ô tô Trung Quốc tràn ra thế giới có thể cảm nhận được ngay ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, những hãng ô tô nằm trong top 10 của Trung Quốc như: BYD, Geely, Chery, Great Wall, SAIC, Wuling… đều đã hiện diện và đều có những sản phẩm xe điện thâm nhập thị trường.Việt Nam là thị trường tiềm năng và quan trọng, vì có dân số hơn 100 triệu người, trong đó, người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao. Những người trẻ thường rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ, kỹ thuật mới và sẵn sàng đón nhận xe điện.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5 - 1,8 triệu xe sau năm 2035. Không những thế, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Với lĩnh vực giao thông vận tải, đã có lộ trình cụ thể: đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Với định hướng này, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho xe điện. Đây cũng là lý do mà các hãng xe của Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, cùng với những kế hoạch đầy tham vọng.

Lo ngại xe điện giá rẻ Trung Quốc

Sắp tới, đại lý của các hãng xe Trung Quốc sẽ “mọc lên như nấm” trên khắp Việt Nam. Chẳng hạn như hãng xe BYD sẽ khai trương 15 đại lý bán lẻ trong năm nay và có kế hoạch mở đến khoảng 100 đại lý trên cả nước.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cùng các Bộ ngành và một số địa phương gần đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh tiềm tàng từ các dòng xe thuần điện giá rẻ của các hãng xe nước ngoài. Theo tìm hiểu của VAMA các hãng xe Trung Quốc có thể sản xuất các dòng xe điện giá rẻ với mức giá bán lẻ chỉ nằm trong khoảng từ 250-270 triệu đồng. Khi các hãng xe điện nước ngoài gia nhập thị trường, hoàn toàn có thể nhập khẩu các mẫu xe điện giá rẻ này để phân phối trong nước, từ đó tạo sức ép và ảnh hưởng không nhỏ lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước.

Năm 2023 Trung Quốc đã xuất khẩu 4,91 triệu ô tô ra thế giới, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là xe điện.

Năm 2023 Trung Quốc đã xuất khẩu 4,91 triệu ô tô ra thế giới, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là xe điện.

Hiện tại ngoài mẫu xe Wuling Mini EV có giá rẻ, thì các mẫu xe điện khác của Trung Quốc bán tại Việt Nam có giá khá cao. Tuy nhiên, xe Trung Quốc khi mới ra mắt thường chốt giá bán cao, sau 1 thời gian ngắn lại giảm mạnh. Câu chuyện của BYD tại Thái Lan là một ví dụ. Không ít khách hàng mua xe điện BYD tại Thái Lan đã choáng váng, bởi “chiêu” giảm giá “không phanh” quá nhanh của hãng xe này. Một chiếc xe điện BYD Atto 3 Extended Range tại Thái Lan có giá bán 1.199.000 Baht (827 triệu đồng) vào cuối năm 2023, sang tháng 7/2024 sau 2 lần giảm giá còn 859.900 baht (khoảng 600 triệu đồng), khiến nhiều khách hàng bất bình và Chính phủ Thái Lan phải mở cuộc điều tra về bán phá giá.

Hơn nữa nhiều ý kiến còn cho rằng, do được trợ giá từ quê nhà nên xe điện Trung Quốc không lo lắng về lợi nhuận, cộng với sản lượng dư thừa nên sẵn sàng bán phá giá.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh này, Việt Nam cần có các chính sách bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước.

Theo PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Việt Nam cần hành động gấp để bảo vệ sản xuất trong nước, sớm xây dựng quy định đối với xe điện nhập khẩu. Có thể áp thuế nhập khẩu bổ sung khi xe điện giá rẻ tràn vào, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Kể cả bán không nhiều nhưng nếu có bằng chứng trợ cấp từ chính phủ nước họ, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, cần kiện để áp thuế. Hơn nữa ô tô điện nhập khẩu vào Việt Nam bán giá rẻ mà hãng xe không có cam kết gì về phát triển trạm sạc, hệ thống hạ tầng năng lượng thì có quyền từ chối.

Theo Trần Thủy/Diễn đàn doanh nghiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề xe điện Trung Quốc? Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xe-dien-trung-quoc-tran-vao-can-chinh-sach-bao-ve-san-xuat-trong-nuoc-2316647.html