Xe hơi ngoại ồ ạt nhập về, xe lắp ráp lại gặp khó

Khi 'hàng rào kỹ thuật' nhập khẩu được tháo dỡ, ngay lập tức ô tô nguyên chiếc, đáng chú ý là các dòng xe du lịch hay xe hơi (dưới 9 chỗ ngồi) ồ ạt được nhập về với số lượng kỷ lục. Doanh số bán ra của xe nhập khẩu khá cao, thu hẹp dần khoảng cách với xe lắp ráp trong nước.

 Ô tô nhập về ngày càng nhiều -Ảnh minh họa: Hùng Lê

Ô tô nhập về ngày càng nhiều -Ảnh minh họa: Hùng Lê

Ồ ạt nhập xe về

Số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 9 này ước đạt 13.000 chiếc, trị giá đạt 260 triệu đô la Mỹ, tăng 38,1% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với tháng trước đó. Đây được xem là lượng xe trong tháng bán ra cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, ước nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 109.000 chiếc, trị giá đạt 2,4 tỉ đô la, tăng 167,8% về lượng và tăng 157% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Có ý kiến cho rằng, lấy kết quả năm ngoái, thời điểm mà có hơn một nửa thời gian chính sách siết chặt ô tô nguyên chiếc nhập khẩu để so sánh với việc nới lỏng điều kiện nhập xe hiện nay là khập khiển và không chính xác. Tuy nhiên, nếu so sánh với những năm có lượng ô tô nhập cao nhất thì 9 tháng đầu năm nay đã tương đương con số cả năm hoặc vượt.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, dẫn đầu về thứ hạng nhập khẩu của những năm trước là năm 2015 với số lượng đạt 100.400 chiếc, tiếp đến là năm 2016, nhập 97.900 chiếc; năm 2017, nhập 83.800 chiếc; năm 2018, nhập 78.200 chiếc.

Như vậy, năm 2015 là năm có lượng xe nhập cao nhất, nhưng so với 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn. Đáng chú ý, trong năm 2015, chỉ có 51.000 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được nhập, con số xe tải chiếm gần tương đương đạt 49.000 xe (tăng 79% so với 2014), mà nguyên nhân quan trọng là thời điểm đó chính sách siết chặt tải trọng xe tải lưu thông, ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng xấu tới hạ tầng…

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, lượng xe du lịch nhập khẩu chiếm đến gần 75% tổng lượng xe nhập, mà đây là dòng ô tô chủ lực mà các liên doanh, doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam. Chính vì thế, các nhà lắp ráp ở Việt Nam lại bị yếu thế cạnh tranh hơn so với các nước.

Xe lắp ráp khó cạnh tranh

Theo Tổng cục Hải quan ghi nhận lượng ô tô nhập khẩu trong 9 tháng năm 2019 được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức. Số xe nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm tới khoảng 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Đáng chú ý, Việt Nam bị cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan và Indonesia, hai thị trường nằm trong khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 0% vào Việt Nam kể từ đầu năm ngoái. Riêng khu vực này, chiếm tới 88,8% tổng lượng ô tô Việt Nam nhập khẩu trong 9 tháng qua. Đáng chú ý, tiêu thụ xe nhập nguyên chiếc đang tăng cao, trong khi ô tô lắp ráp trong nước bị sụt giảm.

Với đà ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng cao này, giới phân tích đánh giá khả năng kết thúc năm nay có thể đạt đến con số trên dưới 140.000 xe nhập các loại.

Điều này cho thấy việc siết chặt các điều kiện kinh doanh chỉ “làm khó” được nguồn cung xe nhập trong một khoảng thời gian ngắn, vấn đề là cần có hướng phát triển căn cơ hơn để cạnh tranh với xe nhập và lòng tin của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, cạnh tranh của ngành này với ô tô trong nước đang bị thật thế so với xe ngoại nhập vì chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong nội khối ASEAN lên tới 18-20%.

Đàng chú ý, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành còn quá yếu kém, hiện nay chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Phụ tùng linh kiện ô tô hiện sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…

Cả chục năm nay, các liên doanh ô tô kêu gọi phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành này phát triển, nhưng mọi thứ dường như rất chậm chạm và không thay đổi nhiều. Các doanh nghiệp dự báo, nếu trong tương lai không có gì thay đổi, không có những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước thì tỷ trọng xe sản xuất trong nước có thể theo chiều hướng thấp hơn xe nhập, trong khi thị trường ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Khi đó, số tiền chi cho nhập ô tô nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, câu hỏi thường đặt ra của người tiêu dùng là vì sao họ không mua xe có giá giảm giống như thuế nhập khẩu của khu vực, và phải chăng các nhà nhập khẩu hiện nay đồng thời cũng là nhà lắp ráp ô tô trong nước đã điều chỉnh giá?

Tuy nhiên, đại diện một hãng xe Nhật chuyên nhập khẩu từ Thái Lan cho biết thuế chỉ là một yếu tố ảnh hưởng tới mức giá bán ra. Để tính toán con số phù hợp còn phải cân nhắc với chính sách của chính phủ, tỷ giá đồng tiền, chi phí bán hàng, đời xe,...

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294728/xe-hoi-ngoai-o-at-nhap-ve-xe-lap-rap-lai-gap-kho.html