Xe hợp đồng trá hình lộng hành ở Đắk Lắk - Bài 2: Thách thức lực lượng chức năng
'Xe hợp đồng' bất chấp quy định, hoạt động trá hình như xe tuyến cố định và ngày càng hoạt động rầm rộ, lộng hành khắp các tuyến, địa bàn ở Đắk Lắk. Loại xe này giở đủ chiêu trò 'qua mắt', thách thức lực lượng chức năng ở Đắk Lắk.
Buông lỏng quản lý, kiểm tra, xử lý?
Trong thời gian qua, PV Tạp chí GTVT liên tục ghi nhận các xe BKS: 47B-020.59 và 47B-015.73 (xe gắn logo Hoàng Anh), 47B-025.42 (xe gắn logo Thủy Thọ), 47B-022.96 (xe gắn logo Nam Việt), 47B-023.26 (xe gắn logo Nguyên Giáp), 47B-022.36 (xe gắn logo Việt Trúc) đều gắn phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng gom khách lẻ, chạy trá hình tuyến cố định.
Cùng với đó, từ thông tin phản ánh của các đơn vị vận tải hành khách chính thống, trên địa bàn Đắk Lắk, số lượng loại xe khách trá hình còn lớn hơn rất nhiều, hoạt động với tuần suất liên tục, phủ khắp các tuyến. Đáng nói, các xe khách trá hình này đều được các Sở GTVT Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh cấp phù hiệu "xe hợp đồng", nhưng lại hoạt động 100% trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk,
Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết: "Tại Đắk Lắk, xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai, sai 100% so với quy định xe hợp đồng. Xe hợp đồng đã có quy định rồi, trong tháng chạy không quá 30% trùng lặp điểm đón, trả khách nhưng ở đây ngày nào cũng chạy. Chạy vượt 100% nhưng không ai xử lý. Tới thời điểm này đúng là vận tải Đắk Lắk loạn".
Ông Đỗ Quang Thuận, Giám đốc Bến xe TP Buôn Ma Thuột bức xúc: "Thực tế hiện nay, xe ở Đắk Lắk nhưng đăng ký hợp tác xã vận tải ở các tỉnh/thành khác, lấy phù hiệu "xe hợp đồng" ở các tỉnh khác, nhưng lại về Đắk Lắk hoạt động. Các Hợp tác xã vận tải ở các tỉnh/thành khác chỉ thu phí có vài trăm ngàn, rồi cấp cho lái xe hợp đồng khống? Loại xe này hoạt động bắt khách lẻ, hỏi tên khách ghi vào để đối phó với lực lượng chức năng. Quá trình hoạt động trái quy định, công khai, lộng hành, nhưng chẳng có ai phát hiện xử lý, ngăn chặn".
Xe buýt, xe tuyến cố định "kêu cứu", thất thu thu thuế, phí
Cũng theo ông Thuận, tình trạng các xe đi các tỉnh/thành khác xin cấp phù hiệu, rồi về hoạt động tại một địa bàn khác, như ở Đắk Lắk thì làm sao không loạn, không bát nháo. Đáng nói, các xe này đóng thuế, phí ở các tỉnh/thành khác, còn Đắk Lắk thì thất thu. Thậm chí gây thất thu thuế, phí vì khó quản lý loại xe khách trá hình này. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải đăng ký, hoạt động chính thống trên địa bàn, tuân thủ các quy định về hoạt động vận tải thì gặp khó khăn vì sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn "chộp giật" của các nhà xe hoạt động trá hình.
"Đúng ra ngành Thuế phải có ý kiến, tham mưu văn bản cho UBND tỉnh Đắk Lắk có biện pháp bảo vệ cho doanh nghiệp, đơn vị làm ăn chân chính, làm đóng thuế, ngân sách cho địa phương. Nhưng ở đây, các nhà xe lấy phù hiệu tỉnh khác, về hoạt động bát nháo trên địa bàn, tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh", ông Thuận nói.
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk khẳng định: "Thực trạng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang rất loạn. Xe hợp đồng "tác oai tác quái", khiến xe buýt, xe tuyến cố định, bến xe không sống nổi. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc quyết liệt, xử lý, ngăn chặn loại xe khách trá hình này. Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để đưa loại xe này vào bến bãi hoạt động bài bản, vừa quản lý được, vừa thu thuế được cho địa phương".
Từ khi xe khách trá hình bùng phát, các doanh nghiệp xe khách tuyến cố định, xe buýt rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở". Nhiều đơn vị chỉ khai thác, hoạt động cầm chừng, khoảng 1/3 số lượng xe hoạt động, còn lại 2/3 "đắp chiếu" kín bãi.
Theo ông Lê Đình Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, để xử lý "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình thì trách nhiệm xử lý thuộc lực lượng tuần tra kiểm soát ngoài đường như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông.
"Đối với thông tin phản ánh, những phương tiện Sở GTVT Đắk Lắk cấp phù hiệu thì sẽ yêu cầu đơn vị vận tải, doanh nghiệp đến để tuyên truyền, thực hiện cam kết hoạt động đúng theo quy định pháp luật về loại hình xe hợp đồng.
Đối với những phương tiện do Sở GTVT các tỉnh/thành khác cấp phù hiệu, nhưng hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Sở GTVT Đắk Lắk sẽ rà soát và phối hợp với hợp với Sở GTVT các tỉnh/thành có phương tiện đăng ký và đề nghị kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải", ông Minh thông tin.