'Xé' mây đưa đò trên đỉnh Tà Tổng

Trên những con đường gồ ghề như sống lưng trâu, cô Kim men theo lối mòn, vượt dốc, 'xé' mây để đến điểm trường.

Một bữa cơm trưa của trẻ mầm non ở điểm bản vùng cao. Ảnh: NVCC

Một bữa cơm trưa của trẻ mầm non ở điểm bản vùng cao. Ảnh: NVCC

Có lần đi không được, ngược cũng chẳng xong, cô chỉ biết ôm mặt khóc. Nhưng tình yêu nghề đã giúp cô dần vượt qua tất cả…

Hiểm nguy rình rập…

Nằm ở độ cao hơn 2.100m so với mực nước biển, Tà Tổng là xã vùng cao xa xôi và khó khăn nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Để con em dân tộc thiểu số ở đây học được con chữ, giáo viên “cắm bản” đã đánh đổi nào là sức khỏe, là tuổi thanh xuân, đôi khi còn cả tính mạng…

Câu chuyện của cô giáo Cầm Thị Kim là một điển hình. Sinh ra, lớn lên tại huyện Than Uyên (Lai Châu), cô Kim sớm mơ ước trở thành cô giáo từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non (năm 2018), cô Kim làm đơn tình nguyện lên xã Tà Tổng, huyện Mường Tè công tác. Cô được giao phụ trách lớp học ở điểm bản Nậm Dính (Trường Mầm non Tà Tổng), một bản xa xôi và khó khăn nhất của xã.

“Em nghe nhiều người nói, lên được xã Tà Tổng đã là một hành trình thử thách với bất cứ ai. Còn vào được Nậm Dính lại thêm một hành trình gian nan hơn nữa, vừa gian nan, vừa nguy hiểm tới mức… lạnh sống lưng”, cô Cầm Thị Kim kể.

Dẫu biết trước “cắm bản” nhiều vất vả, gian nan nhưng vì tình yêu với nghề giáo, cô Kim vẫn quyết tâm đi. Đi rồi mới biết, chính bản thân cô cũng chưa lường hết được những khó khăn phải đối mặt.

“Ngày đầu tiên đến với Tà Tổng, em đã khóc, khóc thật nhiều bởi từ trung tâm huyện lên xã chỉ có đi bộ. Đường thì xa, chúng em phải men theo những con dốc, xuyên qua mây mù để lên điểm trường”, cô Kim nhớ lại.

“Chúng em đi từ sáng, ai cũng phải rảo bước thật nhanh dù rất mệt mỏi. Không đi nhanh, trời tối mà vẫn ở giữa rừng thì không biết lấy gì để ăn, ngủ cũng chẳng biết ở đâu. Cứ thế, tất cả chỉ lặng im mà đi, chỉ nói chuyện với nhau khi ngồi nghỉ chân”, cô Kim chia sẻ.

Điểm trường Mầm non Nậm Dính có hơn 70 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào La Hủ. Vì cuộc sống khó khăn, giao thông cách trở, hàng ngày phụ huynh phải đưa học sinh vượt suối để đến trường. Vì vậy, việc học tập của con em chưa được phụ huynh quan tâm. Có những em “hôm đi, hôm bỏ” nên các cô giáo ngoài giờ lên lớp lại tranh thủ lên bản để vận động phụ huynh.

“Mỗi lần đi xuống bản vận động học sinh ra lớp, nhất là vào mùa mưa, đường đất “nhão nhoẹt”, hai bánh xe bị bùn dính một lớp dày kẹt cứng vào cản xe. Lên được bản đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi về, nếu không cứng tay lái sẽ trượt cả người, cả xe xuống vực. Lúc đó thì…”, cô Kim ngậm ngùi.

Buổi sáng cô Kim cùng đồng nghiệp đón học sinh qua suối đến lớp. Ảnh: NVCC

Buổi sáng cô Kim cùng đồng nghiệp đón học sinh qua suối đến lớp. Ảnh: NVCC

“Mua” sĩ số…

Điểm trường nơi cô Kim dạy nằm cách xa khu dân cư. Cô phải vượt qua hai nhánh suối rộng mới có thể đến được nhà dân. Ở đây không có cầu nên cô trò đều phải lội suối đưa nhau đến lớp.

Cô Kim kể: “Đón học sinh vào những ngày nắng, nước suối cạn đến đầu gối thì chúng em quen rồi. Tuy nhiên, nếu đón trẻ vào ngày mưa, nước dâng cao thì cô và phụ huynh phải cõng trò lội qua suối. Nói thật với anh, mỗi khi nghĩ đến cảnh học sinh vùng cao từng bị dòng nước cuốn trôi, vừa đi em vừa sợ, nhưng lại không có cách nào khác”.

Mùa hè đã vậy, mỗi đợt rét tái tê tràn về, cô trò cũng chẳng có cách nào khác, đành phải dầm mình dưới dòng suối lạnh giá.

“Việc đưa đón các em học sinh qua suối khổ nhất là vào mùa đông, khi những đợt rét vùng cao như cắt da, cắt thịt kéo đến. Cô trò kéo nhau qua suối xong, lên được bờ thì người nào người nấy run lập cập, chân tay co cứng không cử động được”, cô Kim nói thêm.

Tuy giờ khó khăn đã vãn, song cô Kim vẫn chưa thể quên được những ngày đầu đầy gian khó. Khi ấy, cô phụ trách lớp học với hơn 20 em trẻ. Cô không biết tiếng trò, trò cũng chẳng hiểu tiếng cô.

Cô Kim chia sẻ: “Mới đầu nhận lớp, các con khóc nhiều vì chưa xa nhà bao giờ. Khi ở gần cô, thấy xa lạ nên cứ khóc đòi về. Em phải thức cả buổi trưa để bế bồng, vỗ về, ru các con ngủ. Cứ thế, dần dần cô trò quen nhau và thân thiết nhiều hơn”.

Công bằng mà nói, phụ huynh ở Nậm Dính chẳng quan tâm nhiều đến việc học của con. Tất cả đều phó thác cho cô giáo. Khi các em chỉ có chế độ hỗ trợ ăn trưa với định mức 8 nghìn đồng mỗi bữa, cô giáo lại phải bỏ tiền túi ra để mua đồ ăn cho hai bữa ăn phụ. Chỉ cách đó mới có thể đảm bảo đủ “quân số” mỗi ngày.

Việc quyên góp tiền ban đầu xuất phát từ cá nhân. Rồi sau các giáo viên lại bảo nhau san sẻ, tích góp. Vì thế mà cơm của học sinh có thêm con cá, miếng thịt, những thứ mà ở nhà hiếm khi chúng được “thưởng thức”.

“Người dăm ba chục, người một trăm ủng hộ các con anh ạ! Không nhiều nhưng cũng đủ để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cô, trò. Ấm cái bụng thì các con mới chịu khó đến trường được”, cô Kim chia sẻ.

Thầy giáo Đao Văn San, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Tổng bày tỏ: “Để đưa được con chữ đến với học sinh vùng cao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên. Họ không chỉ có chuyên môn tốt, mà còn phải kiên trì, chịu khó. Con đường các em đến trường vất vả bao nhiêu thì con đường để chúng tôi truyền dạy con chữ cho các em cũng khó khăn bấy nhiêu. Nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để đưa con chữ đến cho các em. Hi vọng các em sẽ có tương lai tươi sáng hơn”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xe-may-dua-do-tren-dinh-ta-tong-RMW13ag7g.html