Xe máy xăng không được lưu thông trong Vành đai 1 Hà Nội từ ngày 1/7/2026
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hà Nội sẽ không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.

Mức tiêu thụ nhiên liệu xe máy phụ thuộc vào 5 yếu tố, gồm động cơ, áp suất lốp, thói quen vận hành, thời tiết và bảo dưỡng định kỳ của xe. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về các nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí tại các đô thị lớn, trong đó Hà Nội được yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp mạnh mẽ.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện, Thủ tướng yêu cầu ban hành chính sách hỗ trợ trước ngày 30/9/2025, bao gồm: Hỗ trợ tài chính cho người dân đổi xe xăng sang xe điện hoặc sử dụng phương tiện công cộng; ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện năng lượng sạch; khuyến khích đầu tư hạ tầng sạc, trạm dịch vụ cho xe điện.
Song song đó, Chính phủ giao Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, phí đăng ký, cấp biển số, phí gửi xe… với xe chạy xăng trong khu vực trung tâm. Lộ trình thực hiện sẽ bắt đầu từ quý III/2025, điều chỉnh hàng năm, nhằm từng bước tạo chênh lệch chi phí sử dụng giữa xe truyền thống và xe xanh.
Về hạ tầng, Thủ tướng giao Hà Nội cân đối ngân sách và huy động xã hội hóa để phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng các tuyến trọng điểm. Cùng với đó là đầu tư trạm sạc, hạ tầng phục vụ xe điện, khuyến khích xe buýt điện, tàu điện, góp phần giảm phụ thuộc vào xe cá nhân.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc triển khai đúng tiến độ Đề án tổng thể đường sắt đô thị Hà Nội, theo Nghị quyết số 188/2025/QH15, làm nền tảng cho việc giảm phương tiện cá nhân và thay thế bằng hệ thống vận tải công cộng hiện đại, xanh hóa giao thông đô thị.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao hàng đầu thế giới tại một số thời điểm trong năm. Khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị.