Xe quá tải lại bùng phát khắp nơi: Nhiều trạm cân tê liệt
Hiện nhiều trạm cân xe trên các tuyến quốc lộ và các đô thị lớn nằm 'đắp chiếu' hoặc hoạt động cầm chừng, xe quá tải chạy như chốn không người.
Trạm cân không một bóng người
“
Theo số liệu từ Thanh tra Sở GTVT TP HCM, năm 2019, 4 trạm cân thuộc đơn vị này quản lý, vận hành phát hiện 1.028 trường hợp chở quá tải trọng.
Trong đó, trạm cân số 2 phát hiện 428 lượt vi phạm, trạm số 3 là 352, trạm số 4 là 76 và số 5 là 172 trường hợp chở quá tải. Tổng số tiền phạt là 19,3 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, các trạm này phát hiện 206 trường hợp chở quá tải; xử phạt với số tiền là hơn 3,5 tỷ đồng.
”
Chiều 9/3, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 (TP HCM) - nơi đặt 2 trạm cân kiểm soát tải trọng số 2 và số 3. Đây vốn là tuyến đường mà xe chở quá tải trọng thường xuyên lộng hành.
Trong khoảng 1 giờ chạy dọc tuyến đường này, PV quan sát có nhiều xe chở thép cuộn, xe cơi nới thùng chở đất đá, vật liệu xây dựng chạy qua. Tuy nhiên, khi đến các trạm cân nói trên, PV khá bất ngờ bởi không có trạm cân nào hoạt động.
Cụ thể, lúc 13h45, trạm cân số 2 (do TTGT Đội 4, thuộc Thanh tra Sở GTVT TP HCM phụ trách), không có bất kỳ cán bộ, nhân viên nào có mặt vận hành. PV đợi 30 phút sau cũng không thấy bóng người, chỉ thấy một số xe máy dựng ở gần đó nhưng cửa ca - bin trạm cân đóng kín. Trong khi đó, nhiều phương tiện bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy biểu hiện chở quá tải ung dung qua lại.
Khoảng 14h30, PV đến trạm cân số 3 ở gần trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (do TTGT Đội 6 phụ trách). Tại đây, có một xe đặc chủng của TTGT, xe cẩu chuyên dụng trực ở khu vực trạm. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tiếng quan sát, PV không ghi nhận bất kỳ trường hợp xe ô tô nào bị yêu cầu vào kiểm tra tải trọng.
Sáng 11/3, PV tiếp tục ghi nhận tại các trạm cân số 4, 5 trên đường Võ Chí Công và Đồng Văn Cống (thuộc địa bàn quận 2, do TTGT Đội 5 phụ trách). Trên hành trình đến khu vực các trạm cân kể trên, tại khu vực đường Lã Xuân Oai, PV ghi nhận có 3 chiếc xe chở đất đá có ngọn chạy qua cầu Tăng Long về hướng đường Lò Lu. Trong khi đó, trên đường Võ Chí Công, thỉnh thoảng xuất hiện xe đầu kéo chở 2 container (loại 20 feet) chạy từ khu vực cảng Phú Hữu (đường Nguyễn Duy Trinh) ra.
Trong khi đó, ghi nhận của PV tại trạm cân số 4 hiện 1 trong 2 làn không còn hoạt động từ nhiều tháng nay. Một thanh tra viên cho hay: “Một làn bị hỏng từ trước Tết, chúng tôi đã báo với hầm (Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - đơn vị được giao quản lý, điều hành 4 trạm cân của Sở GTVT TP HCM) nhưng chưa sửa chữa, khắc phục được”.
Dù nhiều trạm cân không hoạt động, hoặc hoạt động trong tình trạng “què quặt”, song PV khá bất ngờ khi ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, số liệu từ đơn vị Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn báo cáo, tình hình các trạm cân vẫn “hoạt động ổn định”.
Riêng chỉ có trạm Kỳ Hà (trạm số 4) bị hư thanh cảm biến của 1 làn. Các trạm vẫn bố trí nhân sự vận hành 24/24h, ngoài hỗ trợ Thanh tra còn phối hợp với lực lượng CSGT để cân xe khi CSGT phát hiện có dấu hiệu chở quá tải chạy trên đường (?)
Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được giao quản lý vận hành 4 trạm cân của Sở. Thanh tra có nhiệm vụ phối hợp xử lý, còn các số liệu, dữ liệu do trung tâm nắm. Ông Khánh cũng cho hay, hiện nay số nhân sự các đội chỉ hơn chục người đến vài chục người, quá mỏng để chia làm 3 - 4 ca trực tại các trạm cân (mỗi ca từ 2 - 3 thanh tra viên).
Vắng bóng trạm cân trên QL1
Trong các ngày 12 và 13/3, PV Báo Giao thông cũng trực tiếp ghi nhận trên tuyến QL1 từ Đồng Nai - Bình Thuận. Đáng nói, trong suốt hành trình hơn 250km xuyên qua 2 tỉnh, nhưng không hề thấy trạm cân nào hoạt động.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Phan Trong, Chánh TTGT Sở GTVT Đồng Nai cho biết, khi kết thúc Kế hoạch liên ngành 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, tỉnh vẫn duy trì trạm cân lưu động trên đường Võ Nguyên Giáp (tuyến tránh QL1 qua Biên Hòa). Trong quá trình hoạt động hệ thống cân gặp nhiều sự cố phải đưa đi bảo trì, kiểm định sửa chữa tại Công ty Hanel.
“Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai đã lập biên bản xử lý hơn 950 trường hợp cơi thùng, chở quá tải, vi phạm giờ cấm... Tuy nhiên, vẫn xảy tình trạng một số lái xe cố tình vi phạm hoặc một số xe chở vượt tải trọng từ các tỉnh lân cận lưu thông qua”, ông Trọng thông tin.
Tại Bình Thuận, ghi nhận của PV có một trạm cân lưu động đặt tại Km 58+280 trên QL55 thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Ông Mai Ngọc Bình, Phó chánh TTGT Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, lý do đặt trạm trên QL55 vì đây là “điểm nóng” xe quá tải. Khu vực này giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiều mỏ vật liệu, khai thác khoáng sản.
Cũng theo ông Bình, trong năm 2019, trạm cân này đã phát hiện và xử phạt 86 trường hợp xe vi phạm quá tải. Đầu năm 2020 đến nay chỉ còn phát hiện 2 xe chở quá tải.
Long An - Tiền Giang:
Trạm cân ngừng hoạt động, xe quá tải nghênh ngang trên QL1
Trưa 9/3, tại ngã tư Long Kim, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) nhiều container, ô tô tải chở đầy hàng hóa ra vào khu vực cảng Bourbon. Thời điểm này, xe container BKS 62C- 042.04 chở 2 container từ cảng ì ạch chạy ra QL1 rồi theo hướng miền Tây - TP HCM.
Bám theo xe này hơn 20km từ Long An - TP HCM chúng tôi không thấy lực lượng chức năng nào dừng lại kiểm tra. Theo quy định, loại xe này chỉ cho phép chở 1 container loại 20 feet (25 tấn) nhưng lúc này xe chở 2 container (tương đương 50 tấn).
Anh Nguyễn Thành Long, ngụ thị trấn Bến Lức cho biết, trước đây có trạm cân lưu động cách ngã tư Long Kim khoảng 500m thì xe tải giảm đáng kể. Nay trạm không còn hoạt động nên nhiều xe container, xe tải lớn chở sắt thép, cọc bê tông, chở gạo quá tải chạy bất kể ngày đêm…
Theo quan sát của PV, đoạn QL1 thuộc phường Tấn Khánh, Khánh Hậu (TP Tân An) hàng trăm ô tô tải loại lớn chất đầy lúa, vượt quá thùng xe xếp hàng dài dọc QL1. Còn tại khu vực chợ gạo Bà Đắc thuộc xã An Cư huyện Cái Bè (Tiền Giang), hàng ngày cũng có hàng nghìn xe tải, container xếp hàng dài chờ lên gạo để vận chuyển đi TP HCM…
Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Lộc, Phó chánh TTGT (Sở GTVT Tiền Giang) thừa nhận, tình trạng xe quá tải gần đây xuất hiện trên QL1 nhiều hơn so với trước. Theo ông Lộc, trước đây trạm cân kiểm soát tải trọng được đặt trên QL1 và TTGT tỉnh phối hợp CSGT tỉnh Tiền Giang thường xuyên kiểm tra, xử lý xe quá tải. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến khi lực lượng CSGT không còn phối hợp với TTGT nên trạm cân được đưa về hoạt động trong các tuyến đường nội tỉnh.
Cũng theo ông Lộc, việc kiểm soát tải trọng phương tiện trên quốc lộ hiện do Cục QLĐB IV chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương, nhưng thời gian qua việc phối hợp này không thường xuyên. “Riêng bộ cân của trạm kiểm soát tải trọng lưu động, từ năm 2016 nay đã hỏng khoảng 8 lần phải gửi ra Hà Nội sửa chữa, mỗi lần như vậy cũng mất vài tuần”, ông Lộc nói.
Ông Lê Văn Viên, Chánh TTGT (Sở GTVT tỉnh Long An) ngoài việc đưa ra một số khó khăn như chọn vị trí đặt trạm cân, kinh phí duy trì hoạt động, điều kiện hạ tải thì còn cho rằng, trạm cân đòi hỏi quân số phải đảm bảo thường xuyên từ 3-5 người, trong khi lực lượng thanh tra mỏng không thể đáp ứng 24/24h.
Trong khi đó, Thượng tá Lại Văn Út, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Long An cho biết, thời gian qua CSGT tỉnh Long An phối hợp TTGT thực hiện nhiều đợt tuần tra, kiểm soát trên QL1, QL50, QLN2… Tuy nhiên, nhiều nhà xe cho người canh đường và bám sát lực lượng chức năng gây khó khăn cho việc xử lý các phương tiện quá tải trên đường.
Hải Đường
QL14B “oằn mình” gánh xe quá tải
Mỗi ngày, trung bình đoạn QL14B từ nút giao thông cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng về cảng Tiên Sa có hàng ngàn lượt phương tiện ô tô tải, container, đầu kéo lưu thông. Hầu hết các phương tiện có dấu hiệu quá tải, cơi nới thùng đều được lực lượng trạm cân tải trọng số 25 ra hiệu kiểm tra trọng lượng xe.
Nhiều trường hợp xe quá tải nhận tổng mức phạt 25-35 triệu đồng, tài xế bị tước GPLX. Điển hình, trường hợp xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc BSK51C-799… do tài xế Nguyễn Hữu Đ. điều khiển vượt tổng trọng lượng cho phép của cầu đường 24,3%, vượt tải trọng trục cho phép của cầu đường đến 55,5%. Với lỗi vi phạm này, lực lượng TTGT lập biên bản xử phạt lái xe Nguyễn Hữu Đ. 6 triệu đồng, phạt chủ xe 30 triệu đồng.
Đại Thắng
“Không có bảo kê xe quá tải ở Tiền Hải”
Sau khi Báo Giao thông đăng tải tình trạng xe tải chở hàng có ngọn, cơi nới, chở quá trọng tải chạy rầm rầm tại huyện Tiền Hải, Thái Bình nhưng không hề bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, ngày 13/3, Thiếu tá Nguyễn Hồng Cường, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Tiền Hải cho biết, không có chuyện bảo kê và tình trạng này mới xuất hiện gần đây. Dù lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát nhưng các lái xe thường lựa chọn thời điểm không có CSGT để chở hàng.
Cũng theo Thiếu tá Cường, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, không có thiết bị cân tải trọng là nguyên nhân khiến khó kiểm soát tình trạng xe quá tải hoạt động.