Xe tải laser hạ gục UAV với giá chỉ bằng cốc trà đá 3.000 Đồng

Vương quốc Anh tuyên bố bắn thử thành công vũ khí laser HELWS gắn trên xe bọc thép bánh lốp, có thể theo dõi và hạ gục nhiều loại mục tiêu với chi phí cực kỳ rẻ.

Trong thông cáo báo chí ngày 22/7, Bộ Quốc phòng Anh cho biết đã thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser năng lượng cao (HELWS) được gắn trên xe chiến đấu bọc thép bánh lốp Wolfhound (Chó săn sói), với khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu cách xa hơn 1km.

Cuộc thử nghiệm được phối hợp tiến hành tại cơ sở của Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (Dstl) ở Porton Down, được mô tả là một "bước tiến lớn" trong Chương trình Trình diễn vũ khí năng lượng định hướng bằng laser trên bộ (LDEW) của Bộ Quốc phòng Anh.

Trong cuộc thử nghiệm, HELWS đã được khai hỏa với công suất tối đa. Nó đánh dấu lần đầu tiên một loại vũ khí laser cầm tay được khai hỏa từ một phương tiện bộ binh ở Vương quốc Anh, mang lại lợi thế chiến thuật lớn hơn trong chiến đấu cho quân đội "xứ sở sương mù", đồng thời cho thấy tiềm năng cách mạng hóa chiến tranh hiện đại.

Hình ảnh đồ họa về quá trình phóng tia laser từ thiết bị gắn trên xe tải. Ảnh: Raytheon

Hình ảnh đồ họa về quá trình phóng tia laser từ thiết bị gắn trên xe tải. Ảnh: Raytheon

HELWS sẽ trải qua thử nghiệm bổ sung ở Vương quốc Anh và trong giai đoạn tiếp theo sẽ được trang bị cho các binh sĩ Quân đội Anh để họ làm quen dần với nền tảng mới này.

Trong một bài đăng trên X/Twitter, Bộ Quốc phòng Anh đề cập đến lợi thế về chi phí của loại vũ khí năng lượng định hướng này, với mỗi phát bắn chỉ tốn 0,12 USD (khoảng 3.000 Đồng, tương đương giá một cốc trà đá ở Việt Nam).

"Công nghệ này cung cấp một phương tiện chính xác, mạnh mẽ và tiết kiệm chi phí để đánh bại các mối đe dọa trên không, đảm bảo sự bảo vệ tốt hơn cho các lực lượng của chúng tôi", ông Matt Cork, một quan chức của Dstl, một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Anh, cho hay.

Hình ảnh cận cảnh hơn về hệ thống phóng tia laser được tích hợp trên xe tải. Ảnh: Sky News

Hình ảnh cận cảnh hơn về hệ thống phóng tia laser được tích hợp trên xe tải. Ảnh: Sky News

Các công ty tham gia sản xuất HELWS bao gồm Raytheon UK, Frazer-Nash, NP Aerospace, LumOptica, Blighter Surveillance Systems, và Cambridge Pixel.

Hãng Raytheon UK cho biết, hệ thống này được thiết kế để đánh bại máy bay không người lái (UAV/drone) loại nhỏ và siêu nhỏ (tương đương drone loại 1 của NATO), trong khi vẫn tương thích với các hệ thống phòng không hiện tại như radar, chỉ huy và kiểm soát cũng như các nền tảng khác.

Điều đó đảm bảo rằng tia laser có thể dễ dàng được triển khai cùng với tên lửa không đối không, hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) và các hệ thống phòng không khác.

"Chúng tôi đã chứng minh rằng hệ thống vũ khí laser năng lượng cao của Raytheon có thể theo dõi và tấn công các mục tiêu khi được gắn trên xe bánh lốp", ông James Gray, Giám đốc Điều hành Raytheon UK, giải thích. "Bây giờ chúng tôi mong chờ Quân đội Anh thử nghiệm loại vũ khí này trong những tháng tới và chứng minh rằng công nghệ này đã sẵn sàng trên chiến trường".

Theo Bộ Quốc phòng Anh, giai đoạn thử nghiệm tiếp theo đối với HELWS sẽ diễn ra vào cuối năm nay để đánh giá thêm tính hữu dụng và khả năng của hệ thống trong các tình huống thực tế.

Trước đó, hồi tháng 5, Bộ này cho biết họ cũng đang phát triển một loại vũ khí năng lượng định hướng mới được kỳ vọng sẽ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trên chiến trường khi chỉ sử dụng sóng vô tuyến để phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa các drone ở phạm vi lên tới 1,6 km.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Lầu Năm Góc chi 1 tỷ USD mỗi năm cho vũ khí năng lượng định hướng để chống lại các "bầy đàn" máy bay không người lái và tên lửa, theo báo cáo năm 2023 do Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) của Mỹ công bố.

Các quốc gia khác, như Pháp, Trung Quốc, Đức, Nga, Ấn Độ và Israel, cũng đang chạy đua phát triển vũ khí năng lượng định hướng của riêng mình.

Theo ông Bryan Clark, thành viên cấp cao của Viện Hudson và là sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, mối đe dọa từ UAV ở Trung Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp khắc chế chúng, thông qua các phương pháp gây nhiễu và các công nghệ như tia laser và vũ khí vi sóng.

"Thực tế là chúng ta nên đưa vũ khí laser vào thực chiến nhanh hơn để đối phó với các mối đe dọa từ máy bay không người lái và giúp tiết kiệm chi phí, vì khi đó chúng ta không cần phải sử dụng những quả tên lửa đất đối không đắt tiền để bắn hạ những chiếc drone phiền nhiễu và nguy hiểm", ông Clark nói với Federal News Network hồi tháng 2.

Minh Đức (Theo Business Insider, National Interest)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xe-tai-laser-ha-guc-uav-voi-gia-chi-bang-coc-tra-da-3000-dong-204240725231243889.htm