Xe tăng Altay Thổ Nhĩ Kỳ có đủ sức 'đè bẹp' T-90A của Quân đội Syria?

Trước nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào vùng Đông Bắc Syria, nguy cơ một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia là hiện hữu, trong trường hợp đó xe tăng T-90A và Altay nhiều khả năng sẽ có một cuộc đối đầu lịch sử.

Trong trường hợp Quân đội Syria quyết tâm ngăn cản việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiếm lãnh thổ của mình như từng làm tại tỉnh Afrin, chắc chắn mũi nhọn công phá của họ sẽ là các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A do Nga cung cấp.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự thì T-90A của Syria có sức mạnh vượt trội cho với M60T Sabra hay Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy nhằm nhanh chóng lấp đầy khoảng cách chiến thuật, Ankara nhiều khả năng sẽ điều động chiếc xe tăng Altay đang hoàn thiện ra chiến trường để thực chiến.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay và T-90 trước nguy cơ đối đầu tại chiến trường Syria. Ảnh: Defence Blog.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay và T-90 trước nguy cơ đối đầu tại chiến trường Syria. Ảnh: Defence Blog.

Altay là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba, được thiết kế và phát triển bởi Công ty Otokar dành cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phục vụ xuất khẩu.

Nguyên mẫu Altay đầu tiên ra mắt vào năm 2011, do có sự hợp tác phát triển với Rheinmetall của Đức và Huyndai của Hàn Quốc nên chiếc xe tăng này có phần nào đó mang dáng dấp Leopard 2 và K2 Black Panther.

Trên xe tăng Altay, tỷ lệ công nghệ của K2 Black Panther chiếm tới 60%, nhưng xét một cách tổng thể thì đây vẫn không phải là một sản phẩm sao chép.

Thông số kỹ thuật cơ bản của MBT Altay bao gồm: trọng lượng 65 tấn; chiều dài thân xe 7,7 m (10,3 m với pháo quay về phía trước); chiều rộng 3,9 m; chiều cao 2,6 m.

Xe có kíp lái 4 người gồm lái xe ngồi phía trước, trưởng xe và pháo thủ ở giữa, động cơ nằm phía sau. Do thân xe khá dài với 7 bánh dẫn động nên cho phép lắp đặt động cơ công suất lớn và giáp bảo vệ tốt hơn.

Động cơ của Altay là loại đa nhiên liệu MTU 883 công suất 1.500 mã lực, cho tốc độ tối đa 70 km/h trên đường tốt, tầm hoạt động 500 km.

Chiếc Altay có khả năng leo dốc 60%; đi trên mặt phẳng nghiêng 30%; vượt vật cản cao 1 m; vượt hào rộng 2,8 m; lội nước sâu 1,2 m không cần chuẩn bị hoặc 4,1 m khi lắp thêm thiết bị lặn phụ trợ.

Altay được đánh giá là một chiếc MBT cực kỳ đáng gờm. Ảnh: Military Today.

Altay được đánh giá là một chiếc MBT cực kỳ đáng gờm. Ảnh: Military Today.

Vũ khí chính của Altay là pháo nòng trơn 120 mm L55 sản xuất theo giấy phép của Rheinmetall, bắn được đạn nổ phá mảnh, đạn nổ lõm, đạn xuyên động năng dưới cỡ, thậm chí cả tên lửa chống tăng phóng qua nòng.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực Volkan-III được hỗ trợ bởi các thiết bị quan sát ảnh nhiệt và đo xa laser cho phép xe duy trì khả năng bắn chính xác trong cả điều kiện ban đêm lẫn thời tiết xấu.

Vũ khí phụ của xe tăng Altay bao gồm 1 súng máy đồng trục 7,62 mm và 1 súng máy hạng nặng 12,7 mm lắp trên tháp pháo được điều khiển từ bên trong.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch sản xuất tới 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực Altay, chia đều cho 4 đợt sản xuất, mỗi đợt gồm 250 chiếc.

Dự kiến Altay sẽ chính thức đi vào phục vụ từ đầu năm 2016, nhưng thực tế nó vẫn còn phải trải qua nốt vài bài kiểm tra đánh giá tính năng nữa trước khi sản xuất hàng loạt.

Xét về lý thuyết thì xe tăng Altay của Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra trội hơn T-90A mà Nga cung cấp cho Syria, tuy nhiên thực tế chiến trường mới là câu trả lời chính xác nhất về tính năng tác dụng của vũ khí.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/xe-tang-altay-tho-nhi-ky-co-du-suc-de-bep-t-90a-cua-quan-doi-syria/20190821093849427