Bộ Quốc phòng Na Uy đã lên kế hoạch phân bổ 1,8 tỷ USD nhằm thay thế những chiến xa Leopard 2 hiện có trong biên chế và nhân rộng lực lượng thiết giáp thông qua xe tăng K2 Hàn Quốc hoặc Leopard 2A7 Đức.
Theo số liệu thống kê của trang Military Balance trong năm 2021, Quân đội Na Uy có 42 xe tăng Leopard 2A4 trong thành phần tác chiến và 36 chiếc khác đang được bảo quản, Oslo đặt mục tiêu thay thế những chiếc MBT của mình trong tương lai gần.
Hợp đồng đặt hàng số lượng lớn chiến xa thế hệ mới sẽ được ký kết vào cuối năm 2022. Chi phí của chương trình thay thế là 1,8 tỷ USD, không chỉ bao gồm mua xe tăng mà còn chuẩn bị cơ sở hạ tầng khai thác, đào tạo kíp xe và nhân viên kỹ thuật...
Trong số các ứng cử viên tiềm năng thay thế Leopard 2A4 trong Quân đội Na Uy, chỉ có hai phương tiện K2 Black Panther của Hàn Quốc và Leopard 2A7 của Đức. Yếu tố chính dẫn tới sự lựa chọn sẽ là giá cả, tính năng, hợp tác chuyển giao công nghệ và hậu cần.
Về số lượng cụ thể xe tăng sẽ đặt mua thì tương đối khó nói, nhưng chắc chắn sẽ gần như tương đương với quy mô hiện tại, tức là sẽ có khoảng 100 chiếc K2 hoặc Leopard 2A7 được Quân đội Na Uy đưa vào biên chế, hoặc sẽ lớn hơn.
Với hai ứng viên đã được lựa chọn, sẽ có cuộc đối đầu thực sự hoành tráng giữa cỗ xe tăng mới nhất của châu Âu và chiến xa Hàn Quốc chỉ mới xuất hiện trên thị trường quốc tế, và kết quả có thể gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường vũ khí nói chung.
Hiện tại xe tăng K2 của Hàn Quốc đang nắm chút lợi thế về danh tiếng khi nó có một đơn đặt hàng từ Ba Lan, Seoul sẽ cung cấp 180 chiếc Black Panther, đi kèm chuyển giao công nghệ để Warsaw tự sản xuất phiên bản K2PL với số lượng 820 chiếc.
Về Leopard 2A7, phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực này đã được đặt hàng bởi Hungary (44 chiếc), Qatar (62 chiếc) và Cộng hòa Séc (40 chiếc).
Lợi thế của Leopard 2 là nó đạt danh hiệu xe tăng châu Âu thành công nhất trên thị trường quốc tế và đẳng cấp của cỗ máy này không phải bàn cãi. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ Leopard 2A4 sang 2A7 được coi là dễ dàng hơn nhiều so với việc thay đổi nền tảng hoàn toàn.
Nhưng có vẻ như yếu tố chính trong việc lựa chọn phương tiện tác chiến mặt đất thế hệ mới của Quân đội Na Uy sẽ không phải là đặc điểm hay giá cả của chiếc xe tăng, mà là sự sẵn sàng thực hiện hợp đồng.
Trong trường hợp Ba Lan, Hàn Quốc đảm bảo bàn giao trước năm 2025. Na Uy đặt ra thời hạn tương tự, đó là tất cả chiến xa phải được sản xuất từ 2 - 3 năm. Kết quả của cuộc đấu thầu sẽ cho thấy liệu Krauss-Maffei Wegmann của Đức có khả năng làm được điều này hay không.
Nếu Na Uy đưa ra lựa chọn ủng hộ K2 của Hàn Quốc thì sẽ có nhiều câu hỏi quan trọng về ngành công nghiệp quốc phòng Đức và khả năng thực sự của Berlin. Đây cũng có thể là một tín hiệu cho các nhà khai thác Leopard 2 khác.
Những chiến xa được giao cho Quân đội Na Uy nhiều khả năng sẽ đi kèm với cấu hình nâng cấp đáng kể so với nguyên bản, điển hình như tích hợp hệ thống phòng vệ chủ động Trophy của Israel.
Tổn thất lớn của xe tăng - thiết giáp trong cuộc xung đột Ukraine khiến nhiều quốc gia cho rằng chỉ dựa vào vỏ giáp nhằm ngăn chặn chiến xa bị phá hủy tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, cho nên cần phải trang bị thêm cho MBT phương thức phòng thủ mới tiên tiến và chủ động hơn.
Bạch Dương