Xe tăng T-14 Armata ngay khi ra mắt vào năm 2015 đã được bao phủ bởi một màn sương mù đầy bí ẩn và những thắc mắc xung quanh nó chưa bao giờ chấm dứt.
Với các thông tin cho rằng xe tăng T-14 Armata hiện đang chiến đấu ngoài chiến trường, nhiều người có thể tự hỏi nó sẽ hoạt động như thế nào trước chiến xa đối phương, các loại vũ khí chống thiết giáp và thậm chí cả cuộc không kích từ máy bay không người lái.
Cần nhắc lại đó là truyền thông Nga đưa tin xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-14 Armata nhẹ hơn, nhanh hơn và dễ triển khai hơn với trọng lượng chỉ 55 tấn, nhỏ gọn hơn nhiều so với M1 Abrams nặng 70 tấn của Mỹ.
T-14 cũng được tuyên bố là nhanh hơn hầu hết các xe tăng đối thủ với tốc độ lên tới 90 km/h, điều này mang lại khả năng cơ động cao hơn khi hỗ trợ bộ binh, di chuyển qua các khu vực đô thị hoặc những lối đi hẹp.
Câu hỏi đặt ra là khả năng sống sót của T-14 Armata liệu có kém hơn do trọng lượng nhẹ hơn M1 Abrams hay không, điều này có thể phụ thuộc vào cấu hình vỏ giáp của nó và các biện pháp đối phó như hệ thống phòng vệ chủ động.
T-14 sẽ hoạt động như thế nào khi chiến đấu chống lại một biến thể xuất khẩu của M1 Abrams do Mỹ chế tạo? Thật thú vị, hiệu quả của xe tăng trong chiến tranh liên quan nhiều đến phạm vi và độ phân giải của kính ngắm nhiệt mà chúng mang theo.
Trong các trận chiến xe tăng nổi tiếng của Chiến tranh vùng Vịnh, M1 Abrams của Mỹ có thể nhìn thấy và tiêu diệt những chiếc T-72 của Iraq ở những cự ly mà đối phương chưa kịp nhận biết, một lợi thế giúp cỗ chiến xa này chiếm ưu thế trong các trận chiến thiết giáp.
Đối với T-14, các hãng tin Nga cho biết, thiết bị ngắm mục tiêu ảnh nhiệt của T-14 có thể phát hiện và tiêu diệt đối tượng vào ban ngày trong phạm vi 5 km và đạt tới con số 3,5 km vào ban đêm.
Trong khi đó, thông số về phạm vi và khả năng của các loại kính ngắm thế hệ mới lắp trên xe tăng của Quân đội Mỹ không có sẵn vì lý do an ninh, nhưng biến thể nâng cấp của Abrams có cảm biến hồng ngoại tiên tiến và kính ngắm ảnh nhiệt hoạt động ở cự ly xa hơn đáng kể.
Đối với vũ khí của nó, một báo cáo trên tờ Popular Mechanics từ vài năm trước cho biết tên lửa 3UBK21 Sprinter mới, hiện đang được phát triển của T-14 có thể đạt tầm bắn trong khoảng 8 - 10 km.
Đạn tên lửa hiện tại của Armata - loại 9M119 Reflecks có tầm bắn 5 km (gần tương đương với Abrams hiện tại) và có thể xuyên qua lớp giáp dày tới 900 mm, tạp chí Popular Mechanics cho biết.
Một thông tin kỹ thuật thú vị khác về xe tăng Armata đó là nó dự kiến sẽ được trang bị động cơ diesel công suất 1.500 - 2.000 mã lực khi chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Điều này có nghĩa là T-14 Armata mạnh mẽ hơn M1 Abrams do có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng tốt hơn, nghĩa là động cơ Armata 1.500 mã lực chỉ phải "kéo" một chiếc xe tăng 55 tấn, trong khi "trái tim" của Abrams cùng công suất phải vận hành chiếc MBT nặng tới 70 tấn.
Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của T-14 Armata có thể là tháp pháo không người lái, điều này tất nhiên làm giảm đáng kể rủi ro liên quan đến việc có một quân nhân ngồi trên nóc xe tăng - vị trí rất dễ bị trúng đạn.
Tháp pháo không người điều khiển có lẽ mức độ tự động hóa sẽ ở mức cao, nhưng liệu có thay thế được con người hay không thì lại là chuyện khác, không loại trừ khả năng vì thiếu sót với hệ thống điều khiển hỏa lực mà T-14 mãi vẫn chưa vượt qua các bài thử nghiệm.
Theo An ninh thủ đô