Xe 'Tàu' và xe Trung Quốc
Một 'trào lưu' mới của ô tô Trung Quốc lại bắt đầu song đã có sự thay đổi đáng kể về chất nhằm xóa bỏ tâm lý miệt thị 'xe Tàu' như giai đoạn cách đây hơn một thập niên.
Hồi cuối thập niên 2000 sang đầu 2010, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã từng dồn dập đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Dù vậy, những chiếc xe mang thương hiệu Lifan, Chery, Riich và sau này là Dongfeng, Zoyte, BAIC, Beijing, Brilliance và Haima đã không thể làm "nên chuyện" ngoài những tuyên bố đao to búa lớn hay những ồn ào trên mạng xã hội.
Từ những chiếc xe máy Loncin, Lifan, Jincheng ngập tràn thị trường cuối thập niên 1990 đến những chiếc ô tô Lifan, Chery, Dongfeng, Zoyte… say này, hình ảnh của tuyệt đại đa số các loại xe đến từ Trung Quốc đều chỉ là "xe Tàu" trong mắt đa số người tiêu dùng Việt.
"Xe Tàu" là một cách gọi kém thân thiện với những chiếc ô tô có kiểu dáng bắt chước các thương hiệu nổi tiếng, thiết kế bóng bẩy như những thanh niên tóc vuốt keo chém gió vỉa hè song chất lượng rẻ tiền tương đồng với giá bán.
Đến nay, những chiếc ô tô "Tàu" Dongfeng, Zoyte hay Beijing vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên vài con đường với hình ảnh đa phần ọp ẹp, trái ngược hẳn với vẻ bóng bẩy khi mới ra mắt thị trường.
Tuy nhiên, khái niệm "xe Tàu" có lẽ cũng đến lúc được chuyển đổi, ít nhất là bản thân các nhà sản xuất, phân phối mong muốn.
Mẫu xe mới nhất vừa ra mắt thị trường là Haval H6 Hybrid là một ví dụ về việc bắt đầu tạo nên hình ảnh khác biệt về hình ảnh của ô tô Trung Quốc. Haval H6 Hybrid mang thiết kế riêng của thương hiệu, mượt nhưng không kiểu vuốt keo bóng lộn và đặc biệt, giá bán không hề "Tàu" chút nào khi thậm chí đắt hơn một số đối thủ cùng phân khúc đến từ Nhật Bản.
Câu hỏi là bên cạnh những trang bị công nghệ dày đặc thì chất lượng liệu có tương xứng với giá bán? Người dùng Việt Nam chưa thể kiểm chứng bởi xe mới chỉ lần đầu tiên ra mắt. Tuy nhiên, chế độ bảo hành đến 5 năm có thể tạm "tin" là một bảo chứng từ nhà sản xuất và phân phối. Xe được nhập khẩu từ nhà máy đặt tại Thái Lan, nơi mà Haval H6 đang là mẫu xe bán tốt nhất phân khúc, vượt qua cả những đối thủ cứng như Honda CR-V, Subaru Forester, MG HS hay Mazda CX-5.
Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam cũng đã đón nhận một mẫu xe Trung Quốc là Wuling HongGuang MiniEV. Mẫu xe thuần điện được lắp ráp bởi TMT Motors và nằm trong phân khúc mini. Wuling HongGuang MiniEV có giá bán thấp nhất thị trường hiện nay cũng xem như là hiển nhiên bởi mẫu xe thuộc phân khúc em út, nhỏ hơn các mẫu xe cỡ A hiện nay như Hyundai Grand i10 và Kia Morning.
Mới đây nhất, ngày 5/8/2023, thương hiệu ô tô cao cấp Lynk & Co đã chính thức công bố GreenLynk Automotives là nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam.
Lynk & Co là thương hiệu ô tô cao cấp toàn cầu thuộc tập đoàn Geely (Trung Quốc). Đây cũng là tập đoàn đang quản lý nhiều thương hiệu ô tô, trong đó có Volvo. Tại thị trường Việt Nam, nhà phân phối GreenLynk cũng có cổ đông chiến lược là Bắc Âu Auto, đơn vị đang phân phối thương hiệu Volvo.
Dự kiến từ tháng 10/2023, Lynk & Co sẽ bắt đầu bán ra thị trường 4 mẫu xe nằm ở các phân khúc khác nhau, bao gồm cả xe sedan và SUV.
Sau Wuling, Haval và Lynk & Co, thị trường ô tô Việt Nam nhiều khả năng sẽ sớm đón nhận thêm 2 thương hiệu ô tô Trung Quốc nữa là BYD và Haima. Trong đó, BYD đặt rất nhiều tham vọng khi lên kế hoạch sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam nhằm chủ động về nguồn cung.
Với những thay đổi rõ rệt về chất và… giá, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang thực sự muốn xóa đi hình ảnh "xe Tàu" trong tâm thức không ít người tiêu dùng Việt Nam để tạo nên một cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, Mỹ. Ít nhất đó cũng là mục tiêu đáng để kỳ vọng.
Không còn "xe Tàu" nữa, bây giờ sẽ đến thời của xe... Trung Quốc.
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/xe-tau-va-xe-trung-quoc-183230802182115992.htm