'Xẻ thịt' tàu hàng triệu đô chìm ở biển Quy Nhơn bán phế liệu
Không thể cứu vãn được những con tàu chìm trong bão 12 ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), nhiều doanh nghiệp đành ngậm ngùi cưa xẻ bán phế liệu.
'Hô biến' tàu hàng chìm thành phế liệu chồng chất bên bờ biển Quy Nhơn Sau sự cố hàng loạt tàu hàng chìm trong bão số 12 ở vùng biển Quy Nhơn, do không thể khắc phục sửa chữa, nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi "xẻ thịt" xác tàu để bán phế liệu.
Cuối tháng 10/2017, bão số 12 càn quét gây sóng lớn nhấn chìm 8 tàu chở hàng và hai phương tiện khác trôi dạt vào bờ, mắc cạn ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định). 10 người chết và nhiều người mất tích. Do thời tiết xấu, sóng lớn liên tục nên sau 5 tháng xảy ra thiên tai cơ quan chức năng mới có thể trục vớt những tàu hàng chìm.
Trước khi trục vớt, "người nhái" phải lặn xuống biển sâu hàn bịt kín các vết thủng, tìm giải pháp để xác tàu hàng nổi lên.
Một tàu hàng chìm đang được làm nổi trên mặt biển.
Đơn vị thi công đang bơm nước từ trong khoang tàu Biển Bắc 16 ra ngoài. Tàu hàng này chìm ngay giữa luồng lạch từng gây cản trở cho tàu bè ra vào xếp dỡ hàng hóa ở cảng Quy Nhơn.
Một tàu hàng chìm theo phương thẳng đứng trở thành "cái bẫy" cực kỳ nguy hiểm cho tàu thuyền.
Do sóng tác động suốt nhiều tháng gây vỡ, hỏng nặng, nhiều chủ doanh nghiệp làm thủ tục thanh thải, cưa xẻ xác tàu bán phế liệu. Các chuyên gia ngành vận tải biển cho biết mỗi chiếc tàu hàng chìm trong bão 12 nơi đây trị giá ít nhất hơn 1 triệu USD, tuy nhiên một khi "xẻ thịt" bán phế liệu thì chẳng được bao nhiêu.
Bình hơi, khí gas được tập kết ra biển phục vụ cắt xẻ xác tàu hàng gặp nạn. Tàu Nam Khánh 26 đã hoàn tất trục vớt tàu hàng. Tàu bị hỏng nặng nên đơn vị thi công phải cắt làm ba phần ngay trên biển, sau đó chuyển vào bờ để cưa xẻ thành từng mảnh sắt thép bán phế liệu để "vớt vát được đồng nào hay đồng ấy".
Ông Nguyễn Đình Hải (ngụ TP Quy Nhơn), công nhân tham gia phá dỡ tàu Fei Yue 9 (quốc tịch Mông Cổ) va vào đá ngầm mắc cạn ở phường Ghềnh Ráng. Trong quá trình mắc kẹt do bão 12, tàu này liên tục bị sóng đánh vỡ nhiều chỗ và gãy đôi. "Tham gia phá dỡ xác tàu hàng bán phế liệu, tôi thấy tiếc và xót xa cho thiệt hại của chủ tàu nhiều lắm", ông Hải bộc bạch.
Đơn vị thi công đã phá dỡ phần cabin tàu hàng Fei Yue 9. Ông Huỳnh Anh Văn, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, cho hay Công ty TNHH Hàng hải Foresight đã ủy quyền cho Chi nhánh Đại lý Hàng hải Quy Nhơn làm đại diện chính thức của chủ tàu tại Việt Nam. Đơn vị đại diện chủ tàu này đã lập tờ khai, lập phương án trục vớt, thanh thải tàu và đã được Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phê duyệt để thực hiện.
Theo ông Văn, đơn vị nào mua lô phế liệu của các tàu hàng xuất xứ từ nước ngoài buộc phải làm việc với Tổng cục Hải quan để làm thủ tục nhập khẩu lô sắt vụn này về Việt Nam mới được bán phế liệu.
Công nhân dùng thiết bị chuyên dụng phá dỡ xác các tàu.
Cưa xẻ từng bộ phận của tàu hàng bên bờ biển phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
Theo các đơn vị thi công, tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian phá dỡ các tàu hàng gặp nạn trong bão này mất từ 20 ngày đến 1 tháng.
Hàng tấn sắt, thép phá dỡ từ các tàu hàng được tập kết nằm ngổn ngang bên bờ biển Quy Nhơn.
Trao đổi với Zing.vn, ông Liễu Minh Hoài, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Quy Nhơn, cho hay các đơn vị thi công đang nỗ lực trục vớt, thanh thải tàu và hoàn tất vào cuối tháng 3. Tùy theo hợp đồng của doanh nghiệp thì họ được thanh toán bảo hiểm rủi ro gần bằng với giá trị con tàu nếu không mua bảo hiểm thì chịu cảnh trắng tay. Chẳng hạn như chủ tàu Biển Bắc 16 được đơn vị bảo hiểm thanh toán bồi hoàn hơn 20 tỷ đồng.
"Do bị sóng đánh vỡ gây hỏng nặng không thể khắc phục sửa chữa, trước mắt các chủ tàu Nam Khánh 26, Fei Yue 9 và tàu Jupiter (quốc tịch Campuchia) đã quyết định tháo dỡ, cưa xẻ bán phế liệu cho hai công ty ở Việt Nam chứ không còn cách nào khác", ông Hoài xót xa nói.
Minh Hoàng