Xem bắt chuột đồng, câu cá, ngắm kho đồ cổ ở Long An
Giữa trưa nắng gắt, trên cánh đồng ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, không chỉ có tiếng máy gặt đập đang thu hoạch lúa mà còn có tiếng hò reo của gần 20 người cùng săn bắt chuột đồng.
Với nhiều người, chỉ cần được hòa mình với thiên nhiên, dành một chút thời gian làm điều mình thích cũng là cách tận hưởng niềm vui, hạnh phúc từ những điều giản đơn.
Đào hang là một trong những cách bắt chuột đồng khi vào mùa thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa Long An.
Về quê bắt chuột đồng vào mùa lúa chín
Máy gặt đập chạy đến đâu, mọi người nhanh chân di chuyển đến đó để bắt chuột. Mùa gặt vì thế cũng rộn ràng hơn.
Anh Phạm Văn Bé Bảy (ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Chúng tôi xem săn chuột đồng là thú vui trong mùa gặt nên không quan trọng chuyện bắt được nhiều hay ít. Có nhiều cách bắt chuột như đào hang, đổ nước, xông khói, thậm chí dùng chó để đánh hơi săn bắt chuột đồng,... Thế nhưng, cách phổ biến nhất là chạy theo máy gặt đập bắt chuột bằng tay không, vui lắm!”.
Trẻ con cũng hào hứng khi bắt được chuột đồng
Từ lâu, chuột đồng đã trở thành món đặc sản của người miền Tây. Chuột đồng có thể chế biến nhiều món như chiên, quay lu, thui rơm vàng, giả cầy, ướp lá chanh,... Săn chuột đồng trở thành thú vui của người dân vùng quê, nhất là tại khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh và là một phần ký ức tuổi thơ của những người từng gắn bó với ruộng vườn.
Xả stress với thú vui câu cá
Tuổi thơ của ông Trần Minh Hoàng (58 tuổi, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) gắn liền với vùng sông nước. Thế nên, từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với thú vui câu cá.
Ông Hoàng chia sẻ: “Hồi đó, chưa có cần câu chuyên dụng như bây giờ nên tôi thường sử dụng một cái lon, quấn dây để câu cá. Ngày nào câu được nhiều cá thì đem ra chợ bán, ít thì để dành ăn”.
Ông Trần Minh Hoàng, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đam mê câu cá sông.
Cứ “nổi hứng” hoặc những lúc rảnh rỗi, ông Hoàng và một số người bạn lại vác cần đi câu. Một ngày, ông Hoàng có thể di chuyển trên 50km giữa cái nóng oi bức để thả câu.
Ông Hoàng cho biết: “Trung bình, tôi câu 5kg cá/ngày, có khi được 10kg nhưng cũng có ngày không có con cá nào. Với tôi, đi câu ngoài để xả stress còn giúp mình suy nghĩ được nhiều điều tích cực hơn trong cuộc sống và có thể góp vào bữa cơm gia đình bằng món cá đồng”.
Để duy trì niềm đam mê, ông Hoàng thường chi 300.000 đồng/ngày để mua mồi và làm chi phí di chuyển. Điều ông Hoàng nhận lại sau mỗi lần đi câu cá là tâm trạng thoải mái, sự trẻ trung trong tâm hồn.
Lưu giữ nét xưa
Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, trong căn nhà cấp 4 chưa đến 100m2, anh Nguyễn Việt An (phường 3, TP Tân An, tỉnh Long An) dành trên 20m2 để thỏa niềm đam mê sưu tầm đồ xưa cũ từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.
Có lẽ, đối với nhiều người, những món đồ mà anh An sưu tầm chẳng đáng giá hoặc không có tác dụng gì. Thế nhưng, với những người say mê đồ xưa cũ như anh An thì đây là những “báu vật” và là “người bạn” tri âm, tri kỷ. Đây cũng là lý do anh chưa bao giờ bán một món đồ nào do mình sưu tầm. Trường hợp quý người cùng sở thích thì anh chỉ tặng.
Một góc "kho" đồ cổ của anh Nguyễn Việt An, (phường 3, TP Tân An, tỉnh Long An).
Được biết, hiện nay, anh An sưu tầm trên 1.000 món đồ xưa cũ như đồng hồ, dây nịt, đĩa nhạc,... Để thỏa niềm đam mê sưu tầm đồ cũ, anh An chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc làm thuê, thậm chí dành dụm cả năm mới mua được một món đồ mình yêu thích.
Anh An bộc bạch: “Sau một ngày làm việc vất vả, tôi chỉ cần ngồi nhìn những món đồ yêu thích là giải tỏa được áp lực cuộc sống, tâm trạng thoải mái hơn rất nhiều. Đối với tôi, chơi đồ xưa cũ còn là cách tìm về ký ức của tuổi thơ, góp phần gìn giữ một phần văn hóa, lịch sử của dân tộc trong quá trình khai hoang, lập nghiệp của thế hệ đi trước”.
Mọi người có cách giải trí, giảm căng thẳng khác nhau. Và, họ chỉ thật sự hạnh phúc, vui vẻ khi được làm điều mình thích dù chỉ là những điều giản đơn nhất.