Xem đường đi của bão ở đâu?

Với các công cụ như Windy, Google Maps, bạn có thể dễ dàng nắm bắt các thông tin mới nhất về đường đi và sức gió của bão, nắm bắt trước diễn biến thời tiết phức tạp.

 Các app này nên được sử dụng kết hợp với các cảnh báo và hướng dẫn chính thức từ các cơ quan chức năng Việt Nam.

Các app này nên được sử dụng kết hợp với các cảnh báo và hướng dẫn chính thức từ các cơ quan chức năng Việt Nam.

Những công cụ này cập nhật tình hình cơn bão theo thời gian thực, dự báo chi tiết và thông tin quan trọng có thể giúp người dân theo dõi và chuẩn bị cho những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Google Maps

Mặc dù không phải ứng dụng thời tiết chuyên biệt, Google Maps vẫn là một công cụ phổ biến của người Việt khi cần theo dõi các hiện tượng thời tiết như mưa, bão, động đất.

 Giao diện Google Maps.

Giao diện Google Maps.

Giao diện quen thuộc, có sẵn trên smartphone khiến ứng dụng này trở thành lựa chọn của nhiều người dùng không quen dùng các nền tảng xem thời tiết chuyên nghiệp hơn.

Một trong những tính năng hữu ích nhất của Google Maps khi theo dõi bão Yagi là lớp thời tiết (weather layer). Với lớp hiển thị thời tiết, bạn có thể nhanh chóng xem các điều kiện thời tiết và nhiệt độ hiện tại và dự báo tại một khu vực.

Mới đây, Google còn cập nhật tính năng đánh dấu các khu vực dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của bão, bao gồm cả vùng có khả năng chịu gió mạnh trên 50 hải lý/giờ, hay cảnh báo chi tiết về thời gian bão đổ bộ vào từng khu vực cụ thể.

Google Maps giúp bạn theo dõi đường đi bão kết hợp với hình ảnh vệ tinh, giúp người dùng nhận biết vị trí cơn bão so với địa điểm của mình.

Với chức năng này, người dùng còn có thể tra cứu thông tin về các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, theo dõi tình hình giao thông, báo cáo các tuyến đường bị đóng do ảnh hưởng của bão để di chuyển an toàn hơn.

Windy

Bên cạnh Google Maps, Windy đã nhanh chóng trở thành ứng dụng phổ biến để theo dõi thời tiết. App này đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên iPhone khi siêu bão tiến vào Việt Nam.

Có cả phiên bản website và di động, Windy có giao diện trực quan, bắt mắt và cung cấp thông tin chi tiết để theo dõi đường đi, sự phát triển của các cơn bão nguy hiểm.

Windy được yêu thích nhờ bản đồ thời tiết động. Các bản đồ này “trực quan hóa” gió bằng cách sử dụng các hiệu ứng hoạt hình để minh họa hướng, tốc độ gió. Với tính năng lớp thời tiết giống Google Maps, người dùng Windy có thể xem nhiệt độ, độ che phủ của mây, lượng mưa và độ cao sóng…

 Giao diện website Windy.

Giao diện website Windy.

Tính năng thanh trượt thời gian của Windy giúp người dùng theo dõi tiến trình của bão Yagi. Người dùng có thể kéo thanh trượt để xem các dự báo trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày trước khi bão đến. Nhấp vào bất kỳ vị trí nào trên bản đồ, bạn còn xem được dự báo chi tiết theo giờ ở khu vực đó từ tốc độ gió, hướng, đến nhiệt độ và lượng mưa.

Zoom Earth

Zoom Earth là một trong những nền tảng nổi tiếng nhất cung cấp hình ảnh vệ tinh trực tiếp và cập nhật tình hình thời tiết trên toàn cầu theo thời gian thực. Zoom Earth có phiên bản website, trên các thiết bị iOS và Android, giúp bạn dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Một trong những tính năng hữu dụng nhất của Zoom Earth là hình ảnh vệ tinh chất lượng cao. Người dùng có thể xem hình ảnh gần thời gian thực của Bão Yagi khi nó phát triển và di chuyển trên biển và đất liền. Ngoài hình ảnh vệ tinh, Zoom Earth cung cấp thông tin về đường đi chi tiết của bão, tốc độ gió, áp suất.

 Giao diện Zoom Earth.

Giao diện Zoom Earth.

Người dùng có thể xem các bản đồ tốc độ gió được mã hóa màu cho thấy rõ ràng cường độ gió ở các vị trí khác nhau trong hệ thống bão (storm system). Nền tảng cho phép người dùng phóng to vào các khu vực cụ thể, chẳng hạn như bờ biển Việt Nam, để nhìn thấy quỹ đạo siêu bão Yagi tiến gần khu vực đang sinh sống.

Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

VNDMS là một hệ thống do Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai (DMPTC) xây dựng và vận hành, giúp giám sát và cảnh báo các hiện tượng thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán.

Người dùng có thể cập nhật thời gian thực về tình hình thời tiết tại các khu vực trên cả nước. Hệ thống cũng cung cấp các bản đồ theo dõi bão, các thông báo về cảnh báo thiên tai và các dữ liệu quan trọng khác từ các cơ quan khí tượng quốc gia.

Cụ thể, bạn có thể theo dõi các cơn bão hướng vào biển Đông, đi kèm thông tin về hướng đi và thời gian dự kiến đến các tỉnh thành của Việt Nam, nắm được thông tin về lớp hướng gió, lớp dự báo mưa, lớp dự báo nhiệt độ, lớp độ cao sóng, hiện đường đi của bão, thông tin hiện trường…

 Giao diện VNDMS.

Giao diện VNDMS.

Điểm đặc biệt của VNDMS là tích hợp dữ liệu từ các hệ thống liên quan như thông tin vận hành hồ thủy điện, hồ thủy lợi, thông tin giám sát tàu cá…

Mặc dù các công cụ này rất hữu ích và dễ tiếp cận, chúng nên được sử dụng kết hợp với các cảnh báo và hướng dẫn chính thức từ các cơ quan chức năng Việt Nam. Bạn nên thường xuyên theo dõi các thông báo chính thức từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và tuân thủ hướng dẫn từ chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/cap-nhat-tinh-trang-bao-yagi-bang-app-gi-post1496433.html