Xem mạch chẩn bệnh trong Đông y
Xem mạch là một việc làm khoa học và tinh tế của Đông y. Việc xem mạch là để người thầy thuốc chẩn đoán bệnh thuộc âm chứng hay dương chứng, hàn chứng hay nhiệt chứng, hư chứng hay thực chứng, bệnh đang ở phần biểu hay đã vào lý... là một phương pháp quan trọng của Đông y.
Bộ vị xem mạch
Bộ vị xem mạch là ở chỗ mỏm xương quay nhô lên ở phía sau bàn tay, gọi là bộ vị mạch quan. Trước bộ Quan là bộ Thốn thuộc dương, phía sau bộ Quan là bộ Xích thuộc âm. Khi xem mạch đặt ngón tay giữa ở bộ quan, hai ngón tay còn lại đặt ở bộ Xích và bộ Thốn. Nếu ở 3 bộ trên không thấy mạch ở bộ Vị -Thốn - Khẩu, thì tìm mạch chếch ra ngoài cánh tay mới thấy mạch đập, thường gọi là mạch phản quan. Có trường hợp cả hai tay đều có mạch phản quan, nhưng cũng có trường hợp chỉ có một tay. Trường hợp này rất ít gặp, thường do lỗi cấu trúc phủ tạng ở bên trong thuộc về sinh lý, không thuộc bệnh lý.
Sự biến hóa của tạng phủ bên trong đều phản ánh trên thốn khẩu. Đồng thời mỗi tạng phủ đều có bộ vị trên thốn khẩu như: Bộ Thốn bên tay trái (tả) thuộc tâm và tiểu tràng, Bộ Quan thuộc can và đởm, Bộ Xích thuộc thận và bàng quang, cũng có sách ghép tiểu trường vào tả xích. Bộ Thốn bên tay phải (hữu) thuộc phế và đại tràng, bộ Quan thuộc tỳ và vị, bộ Xích thuộc mệnh môn hỏa, cũng có sách ghép cả đại tràng vào bộ xích bên tay phải.
Phương pháp thất chẩn
và cửu hậu
Để chẩn đoán được bệnh tật trong phủ tạng các thầy thuốc Đông y thường dựa vào phương pháp “Thất chẩn” và “cửu hậu”.
Thất chẩn là 7 thủ pháp xem mạch đó là: Phù, trung, trầm, thượng, hạ, tả, hữu. Phù là đặt nhẹ tay lên tay bệnh nhân đã thấy mạch đập, mạch này thường thuộc chứng ngoại cảm. Trung là đặt tay ấn nhẹ xuống mới thấy mạch phần nhiều bệnh thuộc tỳ vị hư yếu. Mạch trầm là ấn tay mạnh xuống mới thấy mạch, bệnh phần nhiều thuộc phần lý, hoặc bệnh do nội nhân thất tình (bảy tình chí). Mạch thượng là chỉ mạch ở bộ Thốn, mạch hạ là chỉ mạch ở bộ Xích, mạch hữu là mạch ở tay phải, thuộc các tạng phủ của hệ khí, mạch tả là mạch bên tay trái thuộc các tạng phủ của hệ huyết. Như vậy thất chẩn là sự tinh tế của 3 đầu ngón tay của người thầy thuốc để phán đoán bệnh. Thượng, hạ, tả, hữu là để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Cửu hậu: Là qua 3 bộ Thốn, quan, xích, khi xem mạch phải qua 3 thủ pháp. Ấn nhẹ tay để xem có mạch phù không, ấn hơi nặng tay để xem có mạch trung không, ấn nặng tay để xem có mạch trầm không, mỗi thủ pháp phải để tay đủ 5 lần đập của mạch mới bỏ tay ra. Như vậy mỗi tay có 3 bộ Thốn, Quan, Xích, mỗi bộ có 3 hậu Phù, trung, trầm như vậy 3 nhân 3 là chín (3x3) mới có tên gọi là 3 bộ chín hậu. Hậu ở đây là chắc chắn, kỹ càng của phương pháp xem mạch. Ngoài chẩn đoán bệnh qua thất chẩn cửu hậu qua mạch thốn khẩu. Mạch thốn khẩu còn có ý nghĩa chẩn đoán bệnh toàn thân. Bệnh từ hung (cơ hoành) đến đỉnh đầu thường biểu hiện ra ở bộ Thốn, bệnh từ hung cách đến thần khuyết (lỗ rốn) thường biểu hiện ra ở bộ Quan. Bệnh từ thần khuyết đến bàn chân biểu hiện ra bộ Xích. Bệnh nửa người bên phải thường dựa vào mạch của 3 bộ Thốn quan Xích bên phải. Bệnh nửa người bên trái dựa vào mạch của 3 bộ Thốn Quan Xích bên trái. Như vậy bệnh ở bộ phận nào của cơ thể thì mạch thường tương ứng với một bộ của mạch thốn khẩu. Nếu đau ở mạng sườn bên phải thì mạch bộ quan bên tay phải thường huyền hoặc khẩn.
Mạch của ngũ tạng: căn cứ vào 3 hậu phù, trung, trầm để quan sát, mạch phù thường xuất hiện ở tạng phế và tạng tâm, mạch trung thường xuất hiện bệnh ở tỳ vị, mạch trầm thường biểu hiện ở can thận. Đó là những nguyên tắc chung. Nhưng cụ thể của từng tạng thì phải xem xét cho thật kỹ: Mạch phù của tạng tâm bao giờ cũng kiêm đại mà tán, khi ấn đầu ngón tay xuống thì thấy đại (khuếch đại) mà nhuyễn. Mạch phù của phế thường đi đôi với sáp mà đoản, ấn nhẹ đầu ngón tay xuống thấy trệ (sáp), nếu ấn mạnh thì thấy mạch đoản mà sác, có nghĩa là mạch đập dồn dập nhưng nhịp ngắn. Mạch của tạng can khi đặt tay nhẹ thấy trầm, nhưng ấn tay mạnh một tí thấy mạch huyền, sức đi của nó căng mà khỏe. Mạch của tạng thận khi đặt tay lên bộ Xích thấy trầm, khi ấn nhẹ tay thấy mạch thực kiêm nhuyễn, có khi hoạt. Mạch của tỳ vị thì không nhanh, nhưng cũng không chậm, có nghĩa là mạch đi vừa phải, hòa hoãn.
Trên đây giới thiệu mạch bình thường của năm tạng, đối với cơ thể con người. Mạch tượng còn lệ thuộc vào thiên nhiên, với khí hậu bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mạch tượng của người bình thường cũng có sự thay đổi theo mùa. Rồi mạch của hệ khí, hệ huyết cũng đi khác nhau như mạch thận thì có mạch của thận âm, thận dương, mạch của mệnh môn hỏa...
Trong bát cương, bát pháp, trong tứ chẩn vọng, văn, vấn, thiết để tìm ra bệnh của Đông y thì xem mạch là khó nhất, đòi hỏi sự nhạy cảm của người thầy thuốc, với sự tinh tế và kinh nghiệm nghề nghiệp. Chẩn đoán bệnh ở phủ tạng nào thì phải xem mạch kỹ ở tạng phủ đó thật chính xác để điều trị có kết quả.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xem-mach-chan-benh-trong-dong-y-n175581.html