Xem người Mông đón Tết sớm

Sang tháng 11, hội anh em trong nhóm phượt đã nhắn tôi: Bận gì thì bận, đầu tháng Chạp cũng cố dành ra mấy ngày lên Tuyên Quang đón Tết với người Mông. 'Bao hay, bao vui'!

Làm rể người Mông phải biết giã bánh giày

Bạn tôi, kiến trúc sư Lê Thanh Lâm, làm rể Tuyên Quang đã 13 năm kể: “Người Mông có cách tính lịch riêng: mỗi tháng có đúng 30 ngày, mỗi năm có 12 tháng, không có tháng thiếu, tháng nhuận, cứ đủ 360 ngày là tròn một năm. Vì thế, Tết của người Mông thường rơi vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch, sớm hơn người Kinh một tháng”.

Chúng tôi lên Lâm Bình (một huyện vùng cao của Tuyên Quang, nơi có nhiều người Mông sinh sống) 2 ngày trước Tết Mông. Trời rất lạnh nhưng những cây đào núi mọc dọc đường đã lác đác đỏ hoa. Trong khi những bản người Tày, người Dao dọc đường đi vẫn đang mơ màng ẩn sâu sau sương giá thì các bản Mông ở đây đã nhộn nhịp không khí đón xuân.

Những ngày này, giống như phong tục đón năm mới ở nhiều nơi, người dân tạm gác công việc đồng áng, nương rẫy của một năm, để lo toan cho một cái Tết đủ đầy.

Giã bánh đúng chuẩn là thành phẩm phải sánh mịn trước khi hơi nóng của cơm nếp tan hết

Giã bánh đúng chuẩn là thành phẩm phải sánh mịn trước khi hơi nóng của cơm nếp tan hết

Ông Giàng Thanh Trà, người nổi tiếng thổi khèn hay ở Lâm Bình cho biết: Người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo, công việc được phân công rõ ràng. Đàn ông đi mua sắm đồ hay thịt lợn, gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. Đàn bà lo may vá thêu thùa để trẻ con người lớn đều có váy áo mới diện Tết.

Nếu như với người Kinh, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, thì Tết người Mông phải có bánh giày để cúng tổ tiên và trời đất. Ngoài ra, thịt lợn treo hun khói là món bắt buộc phải có trong bữa cơm cúng ngày Tết của người Mông.

Người Mông quan niệm, bánh giày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Đây là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh giày là một đầu việc “trọng đại” để chuẩn bị Tết. Muốn bánh giày ngon, người Mông phải dùng gạo nếp nương thơm đồ thành xôi rồi đổ vào một cái máng gỗ.

Các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã cho đến khi nếp nhuyễn mịn như bột. Anh Lâm kể, muốn làm rể người Mông, kỹ năng giã bánh giày là không thể thiếu. Việc giã bánh giày ngoài để khảo thành ý của chàng rể, còn là một bài kiểm tra xem anh “tay có thể mang, vai có thể gánh”, có xứng làm bờ vai để dựa cho vợ con hay không.

Đàn ông người Mông thổi khèn vào dịp Tết

Đàn ông người Mông thổi khèn vào dịp Tết

Năm người trong đoàn chúng tôi đều cầm chày thử giã bánh giày nhưng đều đầu hàng sau khoảng mười phút cố gắng. Đây là công việc không chỉ cần nhiều thể lực và sự khéo léo, nó còn yêu cầu khả năng “làm việc nhóm”. Xôi nếp sau khi giã sẽ nhuyễn dần ra thành một thứ keo dính bám chặt lấy chày. Nếu không đủ khéo léo, ngay cả việc nhấc chày lên khỏi đám bột đã là một thử thách.

Chưa hết, mỗi máng bánh cần hai người “song kiếm hợp bích” để tranh thủ thời gian xôi còn nóng, gạo mềm dễ giã hơn. Cứ một chày giơ lên, thì chày kia phải căn đúng thời gian giã xuống để không va vào nhau.

Anh Lâm kể, muốn làm rể người Mông, kỹ năng giã bánh giày là không thể thiếu. Việc giã bánh giày ngoài để khảo thành ý của chàng rể, còn là một bài kiểm tra xem anh “tay có thể mang, vai có thể gánh”, có xứng làm bờ vai để dựa cho vợ con hay không.

Bột sau khi giã nhuyễn được nặn thành từng bánh có đường kính to hơn lòng bàn tay người đàn ông trưởng thành rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ đậy kín để ăn dần và thết khách. Trước đây, người Mông chỉ làm bánh giày bằng nếp trắng, gần đây, để phong phú mâm cỗ Tết, họ còn làm bánh bằng xôi cẩm hoặc xôi nhuộm ngũ sắc.

Vì thời tiết lạnh, trước khi ăn, người Mông sẽ chế biến bánh giày thêm một lần nữa. Cách thứ nhất là đem bánh nướng trên bếp than hồng cho nóng lên rồi cắt ra ăn với mật mía. Cách thứ hai là cắt bánh thành những miếng nhỏ rồi cho vào chảo rán phồng giống như người miền xuôi xử lý bánh chưng sau khi hết Tết.

Vào một buổi tối mùa đông ướt lạnh bởi sương giá, còn gì có thể an ủi lòng người hơn việc được ngồi bên bếp lửa, nhấm nháp miếng bánh giày nóng hổi thơm mùi gạo mới, lại chiêu thêm một ngụm rượu ngô men lá, thả lỏng cho tất cả các nụ vị giác đều nở ra để đón nhận hơi nóng và mùi thơm sực của rượu từ từ trôi qua thực quản, xuống dạ giày, sưởi ấm từng lỗ chân lông từng co lại vì lạnh trước đó. Bạn tôi bảo, khoái hoạt lớn nhất của thế gian, có lẽ cũng chỉ như thế!

Tết thì phải đánh tù lu

Tại xã Xuân Lập, thủ phủ của người Mông ở Lâm Bình vào những giáp Tết trời khá lạnh. Đi bản nào cũng thấy bồng bềnh trong mây. Nhiệt độ xuống thấp nhất là vào buổi tối. Khắp nơi, đàn ông trai tráng đều chuyên tâm chẻ củi, để dành đốt mấy ngày Tết, vì Tết người Mông cũng kiêng làm việc, hy vọng cả năm sẽ không phải vất vả đầu tắt mặt tối.

Già làng Giàng Thanh Trà khẳng định, người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn, gà ăn đến nấu cơm. Người Mông quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Giống nhiều dân tộc khác, ngoài ăn Tết, người Mông cũng rất chú trọng việc chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được trưng diện trong dịp này. Cả bản trở nên sinh sắc hơn bởi váy áo sặc sỡ của các bà các chị. Không gian tĩnh lặng của núi rừng cũng bị đánh thức bởi tiếng leng keng của đồng bạc trang trí nơi thắt lưng người thiếu nữ, lẫn tiếng khèn gọi bạn réo rắt thiết tha của các chàng trai Mông.

Tết đến, ngoài những trò chơi truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao, đi cà kheo… thì thanh niên người Mông thích nhất là chơi tù lu. Từ sáng sớm, trên bãi đất trống đầu bản, cũng có khi là ngay trên ruộng lúa vừa gặt, các hội tù lu náo nhiệt thu hút cả người già, trẻ em đến chơi.

Tù lu thực chất giống như trò đánh quay của trẻ em Bắc bộ. Con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh cứng và đầu kia gọt bằng. Mỗi bộ quay gồm một dây quay se bằng sợi lanh, dài khoảng hơn mét nối với một đoạn pàng (gậy) làm bằng cành trúc nhỏ dài khoảng 40 -50 cm. Tù lu (con quay) đều làm từ loại gỗ cứng như: lim, nghiến, sến có đường kính từ 5 - 10 cm, trẻ con sẽ được cha anh làm cho con quay nhỏ hơn, để vừa tầm tay. Sân chơi sở dĩ phải chọn chỗ rộng là để phòng con quay lạc hướng văng vào người xem.

Đều thuộc thế hệ 7X, 8X, mấy thanh niên ở nhóm tôi ít nhiều đều biết chơi quay. Ban đầu, việc làm quen với cách đánh quay của người Mông có chút khó khăn vì chúng tôi vốn chỉ quen chơi quay bằng dây gai, không nối gậy. Nhưng khi đã tìm được cảm giác, cả nhóm say sưa lao vào thách đố giống như thực sự đã quay trở lại cái thuở thiếu niên vô ưu vô lo. Anh Thành, người lớn tuổi nhất nhóm bảo: Quay của người Mông chơi đã vì làm từ gỗ tốt, nặng, khi lia ra rất đầm tay, chạy tít.

Năm ngày ở bản Mông đón Tết ngoảnh đi ngoảnh lại mới chỉ như một chớp mắt. Tôi nhớ đến một câu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Không có vua”: “Ba ngày Tết trôi qua, lòng đường đầy xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời”?

NGUYÊN TRẦN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xem-nguoi-mong-don-tet-som-post1499702.tpo