Xem phim tương tác 'Phi vụ nửa đêm': Khán giả được lên tiếng
'Phi vụ nửa đêm' (Late Shift) là tác phẩm điện ảnh đầu tiên trên màn ảnh rộng mà khán giả bước vào rạp và 'được quyền' tác động đến số phận nhân vật trong phim.
Thuộc thể loại phim tương tác (interactive film), “Phi vụ nửa đêm” kể về cuộc hành trình xuyên London của cậu học sinh Matt Thompson (Joe Sowerbutts đóng) nhằm chứng minh sự vô tội của mình sau khi bị ép buộc tham gia vào vụ cướp tại một nhà đấu giá nổi tiếng ở London. Điều kích thích khán giả nhất khi đến rạp lần này là chính tay họ quyết định diễn biến của câu chuyện thông qua thiết bị di động trên tay.
Điện ảnh thời công nghệ
Công nghệ tương tác (interactive technology) đã được áp dụng từ nhiều thập kỷ trước trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm mục đích tối đa trải nghiệm của người tham gia. Ví dụ như trong thế giới trò chơi điện tử, các cuộc phiêu lưu do người chơi tự chọn đã trở thành một phần không thể thiếu.
Để đóng vai trò tương tác khi thưởng thức phim, khán giả cần tải xuống ứng dụng “CtrlMovie” trên cửa hàng ứng dụng Apple/ Google. Sau đó, họ sẽ bỏ phiếu cho “Phi vụ nửa đêm” của Matt sẽ diễn ra như thế nào thông qua một loạt quyết định A hoặc B. Bạn có thể khám phá vô số biến thể hấp dẫn và biến Matt thành anh hùng hoặc kẻ phản diện. Sự lựa chọn là của bạn.
Đối với nghệ thuật thứ 7, bộ phim hài “Kinoautomat” của Cộng hòa Séc là tác phẩm điện ảnh tương tác (Interactive film) đầu tiên dù công nghệ lúc đó còn khá thô sơ. Đến năm 2018, bộ phim “Gương đen: Bandersnatch” (Black Mirror: Bandersnatch) do Netflix sản xuất tạo nên xu hướng thưởng thức mới. Các bộ phim ra đời sau đó như: “Detroit: Become Human” (2018) hay phim hoạt hình “Cat Burglar” (2022) đã giúp hình thức phim tương tác đến gần khán giả truyền hình nhiều hơn.
“Phi vụ nửa đêm” chính thức là trải nghiệm điện ảnh tương tác trên màn ảnh rộng đầu tiên trên thế giới. Một bộ phim hành động tội phạm (crime action movie) mà khán giả có thể cùng nhau quyết định số phận của nhân vật chính. Các nhà làm phim đã phải chuẩn bị nhiều cốt truyện (storylines) và 7 phần kết (endings) khác nhau cho phim. Theo đó, thời lượng của phim “được chuẩn bị” là 4 tiếng, nhưng tùy theo lựa chọn tương tác của khán giả mà “thời gian thực” thưởng thức sẽ dao động từ 64 - 97 phút.
Khán giả là nhân vật chính
Thưởng thức một bộ phim tương tác có khác biệt gì? Câu trả lời hết sức đơn giản, hãy tưởng tượng bạn là Matt - nhân vật chính trong phim. Khi những sự việc trong phim lên đến cao trào, việc ra quyết định đương đầu thế nào và hành động ra sao sẽ là của bạn. Lẽ dĩ nhiên, cốt truyện và kết thúc phim phải dựa trên lựa chọn của đa phần khán giả trong rạp và được thực hiện thông qua một ứng dụng (app) có tên CtrlMovie.
Những tương tác liền mạch giữa các quyết định của khán giả sẽ tạo ra trải nghiệm thực sự đắm chìm, lạ lẫm. Matt có thể là cậu bé nhu mì ngớ ngẩn, cũng có thể là người hùng trong nhiều tình huống, điều này sẽ mang tới tiếng cười khúc khích cho những khán giả thích lẫn không thích sự lựa chọn của chính họ. Do mạch phim dựa theo bầu chọn của số đông, chắc chắn sẽ có trường hợp một khán giả nào đó rời rạp mà không hài lòng với quyết định của tập thể. “Phi vụ nửa đêm” giống như một trò chơi được đầu tư trên màn ảnh rộng hơn là một bộ phim điện ảnh. Và nếu có gì khác, đó là sự khác biệt nhờ “phần đầu tư” diễn tiến câu chuyện đến từ khán giả.
Theo chân Giáo sư Galileo trong “Cuộc diễu hành thầm lặng”
“Cuộc diễu hành thầm lặng” (Silent Parade) là bộ phim tâm lý tội phạm (crime drama movie) của Nhật do nghệ sĩ Fukuyama Masaharu thủ vai thám tử kiêm nhà vật lý học nổi tiếng Yukawa Manabu, hay còn gọi là “Giáo sư Galileo”.
“Khai man thì mắc tội, im lặng thì không tính hay sao?” - lời thoại của nữ thám tử Kaoru Utsumi (Ko Shibasaki đóng) trong phim đã nói lên tính chất bí ẩn thường thấy trong các bộ phim tâm lý tội phạm. Cốt truyện trinh thám trong “Cuộc diễu hành thầm lặng” dựa trên tiền đề hơi miễn cưỡng, rằng nếu nghi phạm không nói gì với cảnh sát thì họ sẽ được thả (xem như vô tội) dù cho đã có bằng chứng gián tiếp. Chỉ vì tiền đề khó hiểu này đã khiến tất cả những ai có người thân bị sát hại trong phim đều rất tức giận, vì cảnh sát không thể giúp họ đưa hung thủ ra ánh sáng.
Yukawa Manabu (Giáo sư Galileo) là nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn trinh thám người Nhật Higashino Keigo. Không chỉ là nhà vật lý học thiên tài, Yukawa còn là một thám tử lừng danh nhờ khả năng suy đoán tâm lý tội phạm và phá án dựa vào nền tảng kiến thức khoa học. Những câu chuyện tâm lý tội phạm thường “đánh thức” khán giả bằng những câu thoại mang tính thử thách tâm lý, khai thác lối suy nghĩ lập dị của nhân vật chính. Câu chuyện “Cuộc diễu hành thầm lặng” bắt đầu khi người ta tìm thấy thi thể của Saori (Asuka Kawatoko đóng) - cô gái trẻ bỗng nhiên mất tích từ 3 năm trước. Người đàn ông tên là Kanichi Hasunuma (Jun Murakami) bị tình nghi đã gây ra vụ án đã được thả do thiếu bằng chứng. Sau khi được trả tự do trở về thị trấn của mình, vào ngày diễu hành lễ hội mùa thu, người đàn ông trên đã bị giết.
Đối với thám tử Shunpei Kusanagi (Kazuki Kitamura) - người điều tra vụ án từ ban đầu - cái chết của nghi phạm Kanichi là cú sốc lớn về mặt tâm lý vì anh vừa thất bại về mặt phá án, vừa bị mất đi lòng tự tôn của một thám tử. Tính hấp dẫn và diễn xuất của các nhân vật diễn ra “trong thầm lặng” đúng như tên gọi của bộ phim. Khi 2 thám tử Utsumi và Kusanagi không tìm ra được câu trả lời, họ đành tìm đến Yukawa nhằm nhờ giúp phá án. Liệu sự kết hợp giữa thiên tài vật lý Manabu Yukawa, nữ thám tử tinh tế Kaoru Utsumi và thám tử Shunpei Kusanagi có vén được bức màn bí mật đằng sau một vụ án chồng lên án?
T.K