Xem xét cơ chế đặc thù tạo quỹ đất cho sắp xếp dân cư

Một trong những khó khăn trong việc sắp xếp, ổn định dân cư hiện nay là quỹ đất. Nhà nước cần xem xét có cơ chế đặc thù chuyển đất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả sang đất ở.

Chưa đạt mục tiêu

Xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có địa hình cơ bản là đồi núi dốc, nguy cơ sạt lở, nhất là thôn Vả Thàng nằm ở lòng chảo nên hiện tượng đá lăn xảy ra nhiều. “Năm nào trên địa bàn cũng xảy ra vụ đá lăn. Bà con nằm trong diện sạt lở nên nhiều năm nay không cải tạo nhà”, ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã xác nhận.

Thời gian qua, địa phương được Đảng, Nhà nước rất quan tâm về bố trí, sắp xếp dân cư. Nhờ đó, trong năm 2022, xã sắp xếp ổn định cho 12 hộ. Song, nhu cầu về bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn vẫn còn khá nhiều. “Xã đã có kiến nghị lên các cấp từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong các cấp đưa dân ra khỏi vùng sạt lở, nếu không sẽ có nhiều rủi ro về người và của”, ông Sùng đề xuất tại tọa đàm “Một số kết quả thực hiện chủ trương, chính sách bố trí ổn định dân cư trong giai đoạn hiện nay”, do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Báo Nông thôn ngày nay tổ chức mới đây.

Nỗi niềm đó không phải của riêng chính quyền và người dân xã Tung Chung Phố! Theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21.11.2012 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, mục tiêu giai đoạn 2013 - 2020 thực hiện bố trí ổn định 160.000 hộ, song số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thì con số này mới đạt trên 105.300 hộ. Tính bình quân, mỗi năm mới bố trí được gần 13.000 hộ, trong khi theo yêu cầu phải đạt 20.000 hộ, tức thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra.

Lý giải nguyên nhân, ông Vũ Văn Tiến - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, trước tiên do sự quan tâm của chính quyền địa phương chưa đúng mức, thậm chí nhiều địa phương khoán trắng vấn đề bố trí, sắp xếp dân cư cho ngành nông nghiệp, trong khi ngành không thể tự quyết hoặc tự bố trí các nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách bố trí cho ổn định dân cư còn hạn chế.

Mặt khác, công tác quy hoạch quỹ đất ưu tiên sử dụng bố trí ổn định dân cư ở các địa phương dù được quan tâm nhưng ở một số nơi chưa tốt, quỹ đất hạn chế. Hệ quả là, thực trạng dân di cư tự do trở nên nóng hơn, nhất là ở vùng Tây Nguyên, khi người dân đến các vùng thuộc dự án nhưng không thể cấp sổ đỏ do là đất lâm nghiệp chưa được chuyển đổi. Định mức quy định trong Quyết định số 1776 còn quá thấp so với thực tế (mức dành cho dân di cư vào vùng quy hoạch chỉ có 20 triệu đồng).

Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. Ở một số điểm tái định cư, người dân đã đến sinh sống nhưng còn thiếu các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn…

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

Hiện, do tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai ngày càng nhiều; nhiều địa bàn người dân đang sinh sống là vùng có nguy cơ cao về thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt… chưa được bố trí di dời đến nơi an toàn. Một số địa bàn vùng biên giới chưa có dân sinh sống; tình trạng dân di cư tự do vẫn diễn ra… Trước thực tế đó, ngày 18.5.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, bố trí ổn định 64.283 hộ.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, ông Tạ Nam Phong - Trưởng phòng Quy hoạch và bố trí dân cư, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, giải pháp trước tiên cần xây dựng quy hoạch bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư bố trí dân cư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Xây dựng kế hoạch bố trí dân cư theo thứ tự ưu tiên, nơi có nguy cơ cao về thiên tai phải bố trí thực hiện trước…

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đề xuất, khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung chính là nguồn lực. Dự kiến, để thực hiện kế hoạch sắp xếp, ổn định cho 3.800 hộ đến 2025, mỗi năm tỉnh Lào Cai cần từ 100 - 150 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn trung hạn, chúng ta còn có các nguồn dự phòng, nguồn ngân sách Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác. Để thực hiện tốt, cần có sự xem xét, tập trung, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó, ông Nguyện cho rằng địa phương gặp khó khăn về đất đai để sắp xếp, ổn định dân cư. Do đó, Nhà nước cần xem xét có cơ chế đặc thù chuyển đất nông nghiệp, lâm nghiệp kém hiệu quả sang đất ở; đồng thời các bộ, ngành xem xét, bổ sung hướng dẫn về định mức bố trí đất đai, cơ chế tài chính, tín dụng… Trên cơ sở đó, địa phương mới triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời.

Riêng đối với vấn đề di dân tự do, theo ông Vũ Văn Tiến, hiện cả nước còn gần 17.000 hộ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Để tiếp tục sắp xếp, ổn định cho các hộ dân di cư tự do, cần nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan. Cùng với đó, ưu tiên, bố trí các nguồn vốn hợp lý cho công tác này; gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền (cả nơi đi, nơi đến), đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân cư, không để tiếp tục diễn ra tình trạng dân di cư tự do; xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, kích động lôi kéo đồng bào di cư tự do, phá rừng phòng hộ…

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/xem-xet-co-che-dac-thu-tao-quy-dat-cho-sap-xep-dan-cu-i311002/