Xem xét, đánh giá tác động những sửa đổi lớn trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội
Theo Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp tháng 8/2023.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội với một số nội dung thay đổi lớn đang được sự quan tâm của người dân, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Tại buổi làm việc của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: “Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức cuộc họp nghe lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo về một số nội dung lớn của dự án Luật, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự án Luật”…
Báo cáo một số vấn đề lớn và dự kiến tiến độ đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Dự thảo Luật với kết cấu gồm 9 chương và 135 điều, trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong đó có bổ sung một số nội dung mới là: Trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bỏ mục chế độ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động); tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà quy định cụ thể vào từng chế độ.
So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi lớn, như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả…
Nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm trong dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng: Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, song nội hàm của các chính sách, cấu thành của các tầng chưa được quy định rõ. Mặc dù tầng bảo hiểm bổ sung đã được quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng qua 7 năm thực hiện, vẫn chưa có đánh giá, tổng kết về nội dung này.
Chính vì vậy, cần bổ sung những thông tin đánh giá, tổng kết nội dung này để tạo sự ủng hộ, đồng thuận, chia sẻ với các chính sách. Đối với báo cáo đánh giá tác động, có những quy định được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ, chẳng hạn như các nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…
Tại buổi họp, các thành viên Ủy ban cũng thảo luận một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thời gian tới, như: Độ bao phủ của chính sách vẫn rất thấp, đặc biệt là tỷ lệ lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong độ tuổi lao động gia tăng trong các năm gần đây; vấn đề tăng tuổi lao động dẫn đến tăng tuổi nghỉ hưu tương ứng đang đặt ra áp lực lớn cho bộ phận lao động trực tiếp, lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; áp lực lên ngân sách nhà nước ở tầng hưu trí xã hội ngày càng lớn do tốc độ già hóa của nước ta rất nhanh và tỷ lệ bao phủ của tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện tăng còn chậm…
Thông tin thêm một số vấn đề trong thực hiện chính sách, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết: Luật chỉ nêu những nguyên tắc cơ bản, còn một số quy định cụ thể phân quyền cho Chính phủ là phù hợp, bởi trong thời gian ngắn đã xuất hiện những vấn đề “phi truyền thống” và nếu thực hiện được như vậy thì Luật sẽ ổn định về lâu dài.
Về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua, qua thực tiễn tổ chức chính sách, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương đương số người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Số người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần quay trở lại tham gia bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1/4 số người đã hưởng. Vì vậy, một trong những nội dung cần thiết sửa đổi Luật lần này là chính sách bảo hiểm xã hội một lần, nếu lựa chọn như phương án cũ theo Nghị quyết 93 thì không đạt mục tiêu chính sách mở rộng bao phủ…
Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiêng về phương án 50-50 (người lao động có nhu cầu được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần với trợ cấp không quá 50% tổng thời gian đã đóng). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không có nước nào cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần như ở Việt Nam. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cần phân tích kỹ và bổ sung thêm một số chính sách khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần và cần định hướng chỉ đạo công tác tuyên truyền.