Xem xét gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, chiều 25-6, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp chiều 25-6. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp chiều 25-6. Ảnh: quochoi.vn

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP ngày 31-12-2020 triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 26-3-2021 về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi cho VNA vay theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, VNA đã tổ chức triển khai hàng loạt giải pháp cấp bách và xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 (Đề án tổng thể) để sớm phục hồi, phát triển bền vững, xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành hỗ trợ VNA triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng đúng theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới và khó khăn, tồn tại, hạn chế. Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu công ty mẹ VNA và hợp nhất vẫn âm lần lượt là 8.237 tỷ đồng và 13.108 tỷ đồng.

Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của VNA ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7-2024, nhiều khoản nợ phải trả trong năm 2024. Dòng tiền trong năm 2024 của VNA tiếp tục thâm hụt, các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên VNA không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị, Quốc hội xem xét bổ sung nội dung phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn vào chương trình kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17-11-2020); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh chương trình kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành Hàng không, như giảm thuế đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất, hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa... Do đó, cần bổ sung đánh giá về kết quả của giải pháp này đối với tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không nói chung và VNA nói riêng, những vấn đề còn phải tiếp tục tháo gỡ của ngành Hàng không (gồm cả những doanh nghiệp hàng không khác) để có giải pháp tổng thể, phù hợp.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA; bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn. Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xem-xet-gia-han-tra-no-doi-voi-khoan-vay-tai-cap-von-cua-tong-cong-ty-hang-khong-viet-nam-670242.html