Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, khi mới phát sinh
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về 'Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội' (Chỉ thị số 15-CT/TU) năm 2024.
Kế hoạch gồm 4 nhóm nội dung nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, đơn vị bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, công dân.
UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ tổng kết, đánh giá, báo cáo theo quy định. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xem xét, giải quyết. Xử lý nghiêm minh các hành vi thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân hoặc lợi dụng gây rối mất an ninh trật tự. Kịp thời báo cáo cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp toàn diện, đồng bộ, xử lý, giải quyết triệt để, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương, đơn vị.
UBND thành phố cũng chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm thống nhất, công khai, hiệu quả, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.
Song song đó, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, trật tự xây dựng, thu - chi tài chính, ngân sách, quản lý tài sản công, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước thuộc phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhằm ngăn ngừa, hạn chế phát sinh các vụ khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân để xem xét, giải quyết ngay từ cơ sở, khi mới phát sinh…