Xem xét hợp nhất quy trình IPO và niêm yết doanh nghiệp

Ủy ban Chứng khoán cho biết đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55 để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1 quy trình.

 Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: BTC.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: BTC.

Đây là thông tin được ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ tại Tọa đàm về phát triển thị trường chứng khoán do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/7.

Liên quan vấn đề nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhìn nhận thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây đang thiếu những cổ phiếu, doanh nghiệp niêm yết mới chất lượng để thu hút nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư nước ngoài.

Sẽ hợp nhất quá trình IPO và niêm yết

Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh trong 24 năm vận hành thị trường chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán luôn duy trì quan điểm hạn chế việc can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính. Do vậy, cơ quan quản lý sẽ không dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hoặc từ bỏ thị trường.

Ông Hải thừa nhận thời gian qua, số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường không nhiều. Tuy nhiên, ông cho rằng nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn khi niêm yết, và các doanh nghiệp này không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải.

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn vào thị trường khi có nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết. “Đây là mối quan hệ hai chiều”, ông Hải nhấn mạnh.

Về mặt kỹ thuật, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng cho rằng việc IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và niêm yết cũng có liên quan vấn đề thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu những cổ phiếu niêm yết chất lượng mới.

Ủy ban Chứng khoán đang rà soát quy định và dự kiến sửa đổi Nghị định 155 để tích hợp quá trình IPO và niêm yết vào làm một.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán

Ông cho biết hiện IPO và niêm yết đang là 2 quá trình tách biệt. Do vậy, khoảng thời gian giữa thời điểm nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu lên niêm yết khá dài, có thể là 3 tháng hoặc hơn nữa.

Đây là rào cản lớn đối với một số quỹ hay các nhà đầu tư quốc tế.

Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán đang rà soát quy định và dự kiến sửa đổi Nghị định 155 để tích hợp quá trình IPO và niêm yết vào làm một.

“Việc sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ngay khi IPO xong”, ông Hải cho hay.

Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết hiện có một số doanh nghiệp lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM mà chưa niêm yết. Ông Hải cho rằng điều này xuất phát một phần từ ý chí của bản thân doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, UPCoM là sàn giao dịch cho các doanh nghiệp chưa niêm yết, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên sẽ có những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh rất lớn và tình hình sản xuất rất tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để niêm yết.

Dẫn ví vụ về trường hợp của CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), ông Hải cho biết doanh nghiệp này đang gặp vướng mắc về mặt kỹ thuật để có thể niêm yết cổ phiếu. Hiện BSR rất tích cực xử lý vấn đề này và kỳ vọng được giải quyết trong thời gian tới.

Gỡ nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán Việt

Chia sẻ về việc này, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán SSI cho biết nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tiềm năng thị trường Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, trong những năm qua, thị trường không có nhiều lựa chọn mới.

“Nhìn vào rổ VN30 chưa có thêm doanh nghiệp nào mới. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài dù muốn phân bổ nhiều tiền vào thị trường cũng phải chờ”, bà Hằng nói và cho biết điều tương tự cũng diễn ra với câu chuyện room nước ngoài tại các doanh nghiệp.

 Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo thông tư gỡ nút thắt về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Nam Khánh.

Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo thông tư gỡ nút thắt về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Nam Khánh.

Bà Hằng cho rằng nếu rút ngắn được thời gian giữa 2 quá trình IPO và niêm yết sẽ là động lực để doanh nghiệp lên sàn nhiều hơn, từ đó tạo ra nhiều hàng hóa, lựa chọn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Về mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Bùi Hoàng Hải cho biết đây là mục tiêu được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo.

Hiện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đang cùng các thành viên thị trường xây dựng giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính... để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng.

Hiện tại, giải pháp để vượt qua nút thắt lớn nhất là câu chuyện về prefunding (ký quỹ trước khi giao dịch) cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Bộ Tài chính thực hiện thông qua hoàn thành dự thảo sửa đổi 4 thông tư.

Liên quan tỷ lệ sở hữu nước ngoài và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, tại dự thảo thông tư mới đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã có những quy định mang tính chất bắt buộc và có lộ trình thực hiện.

Theo đó, các công ty niêm yết sẽ phải đăng công bố thông tin đồng thời bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài thông tin định kỳ và bất thường, thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng sẽ được đăng song ngữ công khai.

Ông Hải cho biết về phía Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... cũng đang tích cực triển giải pháp tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp và rà soát lại việc công bố đầy đủ danh mục tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/xem-xet-hop-nhat-quy-trinh-ipo-va-niem-yet-doanh-nghiep-post1487980.html