Xem xét không áp trần chi phí lãi vay 30% với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ xem xét bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay 30% khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Hiện cơ quan thuế đang tích cực rà soát những vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 132 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết...

Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp vay vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp vay vốn ngân hàng.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định số 132), nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về quy định quản lý thuế với giao dịch có liên kết.

Chia sẻ về tiến độ sửa đổi Nghị định số 132, bà Tô Kim Phượng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế), cho biết Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 đúng yêu cầu tiến độ như yêu cầu của Chính phủ ngay trong quý 4/2023.

ĐỀ XUẤT BỎ TRẦN CHI PHÍ LÃI VAY 30% VỚI DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Việc xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hiện được quy định tại Điều 16 Nghị định 132.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quy định trên tháo gỡ một phần các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thông qua nới trần tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghị định số 132 ban hành đầu tháng 11/2020 đã nâng mức khống chế từ 20% lên 30% lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi, tiền vay; đồng thời, cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo và mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế.

Tuy nhiên, trong văn bản góp ý gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng cần sửa đổi Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng điều này không hợp tình, hợp lý và đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.

HoREA cũng chỉ ra 4 lý do khiến việc khống chế trần tổng chi phí lãi vay trở nên bất cập.

Thứ nhất,chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là chi phí hợp pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020, hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010, hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thứ hai,chi phí lãi vay là chi phí hợp pháp, cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính (trong kỳ) của doanh nghiệp.

Thứ ba, theo HoREA, chỉ có một thiểu số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết có thể có hoạt động chuyển giá, kê khống giá làm tăng chi phí "ảo" để trốn thuế, nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng hoạt động chuyển giá cần được quan tâm kiểm soát.

"Mặc dù hiện nay đang chuẩn bị thực hiện áp thuế tối thiểu toàn cầu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khó phải được tiếp tục xem xét giải quyết", HoREA đánh giá.

Thứ tư, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ có thể gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo lỡ kinh doanh bị hòa vốn hoặc bị thua lỗ.

Kể cả trường hợp có lãi nhưng doanh nghiệp chẳng may rơi vào trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo không thấp hơn mức quy định, coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo bị mất trắng.

Do đó, HoREA cho rằng không nên và không cần thiết khống chế trần 30%, quy định này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; đồng thời, không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.

CƠ QUAN THUẾ TÍCH CỰC RÀ SOÁT VƯỚNG MẮC

Liên quan đến việc khống chế chi phí lãi vay, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) Tô Kim Phượng cho biết quy định này nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

"Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của OECD về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10% - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay", bà Phượng khẳng định.

Do đó, Nghị định số 132 quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về những bất cập triển khai quy định này thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế, cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng.

Bà Tô Kim Phượng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế).

"Qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến.

Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị nên phân loại rõ các giao dịch liên kết, tránh trường hợp các doanh nghiệp chỉ cho nhau thuê mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực... không có cơ hội lách thuế nhưng vẫn bị áp vào giao dịch liên kết, làm ảnh hưởng đến việc vay vốn.

Về vấn đề này, bà Tô Kim Phượng cho biết theo quy định tại Nghị định số 132, doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết như cho thuê, mượn, vay tài sản hữu hình, tài sản vô hình... thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này để tránh việc sắp xếp làm thay đổi thu nhập tính thuế, dẫn đến ảnh hưởng nghĩa vụ thuế phải nộp của từng doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp không có quan hệ liên kết, độc lập với nhau có phát sinh các giao dịch cho mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực... thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Như vậy, không phải tất cả các giao dịch đều là giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132.

Cũng theo bà Tô Kim Phượng, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Qua đó, Tổng cục Thuế xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.

"Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng yêu cầu tiến độ như yêu cầu của Chính phủ", lãnh đạo Cục Thanh tra - Kiểm tra khẳng định.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xem-xet-khong-ap-tran-chi-phi-lai-vay-30-voi-doanh-nghiep-vay-von-ngan-hang.htm