Xem xét loại bỏ kênh thông hồ thủy điện Đăk Re nếu ảnh hưởng lớn
Ngày 30-12, ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư trong xây dựng, quản lý, vận hành đối với 16 thủy điện trên địa bàn.
Theo đó, sẽ thanh tra, kiểm tra đối với 7 công trình thủy điện đã hoàn thành đóng điện, và 9 công trình đang triển khai xây dựng. Đợt thanh tra này thủy điện Đăk Re cũng nằm trong kế hoạch.
Nội dung thanh tra, kiểm tra: Tình hình triển khai thực hiện đầu tư dự án thủy điện; công tác quản lý chất lượng công trình; kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tận thu khoáng sản; việc thực hiện phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, môi trường; công tác phòng chống lụt bão, công tác an toàn và phòng chống cháy nổ.
Cũng liên quan đến thủy điện Đăk Re, ông Lê Như Nhất cho biết thêm, sau khi Báo Công an TP.HCM phản ánh, Sở đã nắm được thông tin và dự kiến sang tuần sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Kon Plông đi kiểm tra thực tế. Sau đó, Sở sẽ có buổi làm việc với chủ đầu thủy điện Đăk Re để có hướng xử lý.
Theo ông Nhất, Bộ Công thương vừa có văn bản rà soát lai đối với công trình thủy điện đang thi công. Hiện kênh thông hồ của thủy điện Đăk Re đang trong giai đoạn thi công. Nếu trường hợp ảnh hưởng lớn đến dân cư, môi trường trong vùng dự án, thì phải yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công, cần thiết phải loại bỏ hệ thống kênh thông hồ của thủy điện Đăk Re.
Như CAO đã phản ánh, người dân các thôn Kon Plông, Vi Glơng, Kon Plinh tại xã Hiếu, H. Kon Plông, Kon Tum phản ánh diện tích ao cá, đất rẫy, đất ruộng bị sạt lở, cát vùi lấp và bị ngập bởi thi công tuyến kênh thông hồ, đập lòng hồ 3 thuộc thủy điện Đắk Re.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại thôn Kon Plông, diện tích lúa nước bị ảnh hưởng đo đếm được là 6,12ha, nằm ở khu vực hạ lưu và 2 bên hành lang tuyến kênh thông hồ. Tất cả diện tích này đã bị sạt lở, cát vùi lấp hoàn toàn. Khối lượng đất, đá cát lớn, nhân dân không thể tự khắc phục để canh tác mùa vụ 2021.
Tại thôn Vi Glơng, diện tích lúa nước bị ngập úng và vùi lấp do tắc cống tràn đập lòng hồ 3 và đường công vụ sạt lở đo đếm được là 2,94ha. Diện tích này, người dân có thể tự khắc phục để canh tác mùa vụ 2021.
Tại thôn Kon Plinh, do thay đổi dòng chảy của sông Đắk Re, khu dân cư và các điểm trường, cầu treo dân sinh có nguy cơ bị sạt lở cao. Phần diện tích lúa nước của người dân bị ảnh hưởng đo đếm được là 1,9ha. Tất cả diện tích này đã bị sạt lở và bị trôi. Có đoạn cát vùi lấp hoàn toàn. Khối lượng cát, đá lớn, nhân dân không thể tự khắc phục để canh tác mùa vụ năm 2021. Tổng cộng có 73 hộ ở 3 thôn nói trên bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định, một phần do quá trình thi công san ủi các hạng mục kênh thông hồ, tuyến đường công vụ và khu vực đập lòng hồ thủy điện Đắk Re (do Công ty cổ phần thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư) gặp mưa, bão gây bồi lấp, ngập úng, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất và vùi lấp ruộng, ao cá của nhân dân nhân trên địa bàn các thôn.
Thủy điện Đăk Re được xây dựng tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Tại Kon Tum, dự án xây dựng ở xã Hiếu, H. Kon Plông từ năm 2016 với các hạng mục như các hồ chứa, đập chính, kênh thông hồ, đường công vụ. Đến nay đã triển khai xong các hạng mục gồm đập chính, lòng hồ 1, đường hầm dẫn nước về nhà máy. Các hạng mục đang thi công gồm kênh thông hồ, đập lòng hồ 3, đường công vụ.
Phóng viên đã liên hệ với UBND H. Kon Plông tìm hiểu về những ảnh hưởng của thủy điện Đăk Re đối với người dân trên địa bàn, tuy nhiên đã một tuần nay, vẫn chưa nhận được câu trả lời.