Xem xét nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội

Sáng 22-4, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 23 để thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội và công tác cán bộ.

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Hà Nội tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ kép

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và hướng tới nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Thủ đô và đất nước: Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm thành lập nước, 1010 năm Thăng Long-Hà Nội... Những nội dung của hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Đại hội XIII của Đảng.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng khẳng định, thời gian qua, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo duy trì tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng trưởng 3,72%. Thành ủy đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế-xã hội, như: Tăng cường sản xuất nông nghiệp; giải quyết dứt điểm Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; giải ngân vốn đầu tư công; đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn… Do đó, cần làm rõ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo vừa qua, nhất là trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để từ đó các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng đoàn kết, đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu, giảm thiểu thiệt hại, nỗ lực phục hồi, “nạp năng lượng, tạo hiệu năng” để kinh tế Thủ đô có thể bật tăng trở lại khi khống chế được dịch bệnh. “Chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 thì liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không?” - Bí thư Thành ủy gợi mở.

Ban hành Kế hoạch hành động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Trong phần thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đại diện các sở, ngành, quận, huyện của thành phố đã kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho, Quý I-2020, các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh tế của thành phố đều sụt giảm, nhưng vẫn giữ được phát triển 3,72%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm, thành phố phải tăng trưởng ở mức 8,6%. Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, đây là chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực mới có thể hoàn thành. Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị, các sở, ngành, quận huyện tiếp tục tập trung vào nhóm 136 nhiệm vụ của UBND thành phố trong năm 2020. Trong đó, đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục tái đàn lợn, đẩy mạnh nuôi trồng cây ngắn ngày, hạn chế nhập khẩu;... Ngoài ra, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đấu thầu đối với những dự án đã được phê duyệt; thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đối với các dự án thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn cho biết, cục đã xác định kịch bản cụ thể nhằm bù đắp nguồn thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2020.

Tóm tắt phần thảo luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND thành phố sẽ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thành phố cũng sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cùng với việc tập trung phòng, chống dịch Covid-19 sẽ chú trọng điều hành các hoạt động và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Thông qua chủ trương triển khai 2 dự án đường sắt đô thị

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai và dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc. Theo đó, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm thành phố. Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó, chiều dài đi ngầm là 8,13km. Tổng mức đầu tư dự kiến là trên 1,75 tỷ USD. Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi là trên 1,48 tỷ USD, vốn đối ứng trong nước là 271,29 triệu USD. Dự kiến dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.

Còn đối với Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm). Dự án phấn đấu được hoàn thành vào năm 2025. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (quy hoạch). Qua đó, giúp hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố nhằm giảm mật độ đông đúc của giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của nhân dân.

Tổng hợp các ý kiến thảo luận, góp ý, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, nội dung của các tờ trình. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất, giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai theo quy định. Trong quá trình triển khai, cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm lộ trình đã đề ra.

NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xem-xet-nhieu-noi-dung-quan-trong-tai-hoi-nghi-lan-thu-23-ban-chap-hanh-dang-bo-thanh-pho-ha-noi-615971