Xếp hạng tín nhiệm - chìa khóa phát triển thị trường vốn

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, phấn đấu 2 con số, nền kinh tế cần một lượng vốn tương xứng. Đa dạng hóa kênh vốn cho doanh nghiệp, trong đó trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một kênh được chuyên gia đánh giá rất quan trọng. Tuy nhiên, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, bước ra khỏi 'bóng đen' quá khứ, cần phải minh bạch thị trường, trong đó chú trọng xếp hạng tín nhiệm.

Năm 2024, thị trường TPDN ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với tổng giá trị phát hành mới đạt khoảng 444 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 1/2025, do đặc thù tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài, nên chỉ ghi nhận 4 đợt phát hành TPDN ra công chúng với tổng giá trị phát hành thành công ước đạt gần 5,6 nghìn tỷ đồng, giảm 93% so với tháng trước và giảm 38% so với cùng kỳ.

Còn theo dữ liệu tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 28/2, chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận trong tháng 2 năm 2025. Dù lượng phát hành trái phiếu 2 tháng đầu năm còn khá èo uột, song Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng năm 2025, phát hành TPDN sẽ tích cực hơn nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ là nền tảng hỗ trợ cho sự phục hồi của các ngành bất động sản, sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất hấp dẫn được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và thúc đẩy nhu cầu vay vốn để mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp…

Cũng có đánh giá tích cực về triển vọng thị trường TPDN Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings dự báo, quy mô thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Ông Thuân cho biết, theo quan sát của tổ chức này, động lực tăng trưởng cao trong năm 2025 không chỉ đến từ các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng như công ty tài chính, mà còn từ các lĩnh vực doanh nghiệp lớn như bất động sản nhà ở, năng lượng và hạ tầng với những biện pháp tháo gỡ chính sách, pháp lý và nhu cầu vốn thực tế của doanh nghiệp. Tương tự, chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán VCBS cũng tin tưởng lượng phát hành TPDN sẽ khả quan hơn trong năm nay khi mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu với chi phí thấp hơn, tái cơ cấu vốn. Khối lượng phát hành vẫn sẽ được dẫn dắt bởi trái phiếu ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp bất động sản cũng đang dần lấy lại niềm tin nhà đầu tư.

Thực tế, thị trường TPDN đang được cải thiện nhờ các quy định mới, không chỉ đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ mà còn với trái phiếu chào bán rộng rãi ra công chúng, với việc sửa đổi Nghị định 155 được áp dụng và sớm có hiệu lực. Trong đó, các điều kiện phát hành được điều chỉnh chặt chẽ hơn, yêu cầu minh bạch thông tin và áp dụng bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp nhất định. “Quy trình phê duyệt được đơn giản hóa, tiêu chí phát hành được tiêu chuẩn hóa, cùng với yêu cầu áp dụng xếp hạng tín nhiệm kèm theo tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh. Đây là những yếu tố quan trọng giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào sản phẩm đầu tư này”, ông Thuân nhận định.

Đánh giá về vai trò của việc xếp hạng tín nhiệm, các chuyên gia nhận định nó sẽ mang lợi ích cho các bên tham gia, cả nhà đầu tư lẫn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Với nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm cung cấp thông tin đáng tin cậy về khả năng tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp, hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng hưởng lợi khi nâng cao được uy tín, gia tăng khả năng tiếp cận vốn và cải thiện vị thế cạnh tranh trên thị trường.

“Trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm cũng quan trọng, kết quả tốt thì doanh nghiệp có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn. Xếp hạng tín nhiệm cũng là công cụ cho doanh nghiệp căn cứ vào đó để định giá cho công cụ tài chính do mình phát hành. Đối với cơ quan quản lý giám sát, xếp hạng tín nhiệm là kênh thông tin không thể thiếu, giúp đưa ra phương pháp giám sát, theo dõi phù hợp cả một chu trình mà công cụ nợ sẽ tồn tại”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nhận định.

Thế nhưng, thống kê từ VIS Rating cho thấy, năm 2024, 10/20 tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng và 47/104 tổ chức phát hành riêng lẻ đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm, với tổng giá trị trái phiếu phát hành của các nhóm này lần lượt là 22 nghìn tỷ đồng và 233 nghìn tỷ đồng. Song, kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cho thấy, 25% tổ chức phát hành trái phiếu trong năm 2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức dưới trung bình hoặc yếu hơn. Mặc dù vậy con số này đã cải thiện so với mức 34% trong năm 2023. Phần trăm các tổ chức phát hành có các chỉ tiêu thành phần ở mức yếu trong hồ sơ tín nhiệm thấp hơn so với năm trước, ở cả tổ chức phát hành là tổ chức tài chính và doanh nghiệp phi tài chính.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp để cải thiện tín nhiệm quốc gia và phát triển thị trường vốn. “Chúng tôi khuyến khích các công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước hợp tác với các tổ chức quốc tế. Chúng tôi tin tưởng hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam sẽ tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó sẽ thúc đẩy minh bạch thị trường vốn", bà Tâm nói.

H.A

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/xep-hang-tin-nhiem-chia-khoa-phat-trien-thi-truong-von-i761006/