Xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng có thực sự hiệu quả?
VOV.VN - Sau 2 năm ứng phó với đại dịch, các quan chức y tế ở một số quốc gia đang đặt lên bàn cân so sánh giữa tính hiệu quả của việc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt với chi phí mà các nước phải bỏ ra để thực hiện biện pháp này.
Đan Mạch là một trong những quốc gia thực hiện biện pháp xét nghiệm Covid-19 hàng loạt sớm nhất trên thế giới với mức chi phí bỏ ra rất lớn. Hiện các nhà hoạch định chính sách nước này đang nghiên cứu kỹ lưỡng về tính hiệu quả của biện pháp trên.
Jens Lundgren, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Rigshospitalet, Đại học Copenhagen, cho rằng Đan Mạch có tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 cao hơn các quốc gia khác và có thể Đan Mạch đã lạm dụng quá mức biện pháp này.
Trái ngược với Đan Mạch, Nhật Bản lại không quá đề cao việc xét nghiệm trên diện rộng và hạn chế tối đa việc sử dụng phương pháp trên, tuy vậy kết quả ứng phó với đại dịch của Nhật Bản vẫn tương đối tốt. Một số quốc gia khác bao gồm cả Anh và Tây Ban Nha cũng đã thu hẹp quy mô xét nghiệm.
Dale Fisher, chủ tịch Mạng lưới Ứng phó và Cảnh báo Dịch bùng phát Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Chúng ta cần phải học hỏi và không nước nào có thể làm điều đó [chống dịch] một cách hoàn hảo”. WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tiến hành xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nghi nhiễm, để kịp thời nắm bắt diễn biến của dịch bệnh.
Các chuyên gia khuyên rằng với sự “thống trị” của biến thể Omicron dễ lây lan nhưng gây các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và sự sẵn có của vaccine ngừa Covid-19, chính phủ các nước nên xem xét các chính sách mang tính chiến lược hơn, chẳng hạn như lấy mẫu dân số. Tuy nhiên, việc cắt giảm xét nghiệm quá đột ngột có thể khiến thế giới đánh giá sai cách thức tiến hóa và lây truyền của virus.
Các hướng dẫn của WHO chưa bao giờ khuyến nghị phải thực hiện xét nghiệm hàng loạt đối với những người không có triệu chứng vì chi phí bỏ ra đắt đỏ mà tính hiệu quả chưa thực sự nổi bật.
Thực tế cho thấy số ca lây nhiễm và tử vong tại Đan Mạch – quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm rất cao - cũng tương tự như các quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp. Trong vòng 2 năm qua, Đan Mạch đã tiền hành hơn 127 triệu lượt xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR miễn phí cho 5,8 triệu người dân trong nước với mức kinh phí hơn 2,36 tỷ USD. Trong khi đó, nước láng giềng Na Uy, với quy mô dân số tương tự, chỉ thực hiện 11 triệu lượt xét nghiệm PCR, và Thụy Điển - quốc gia có số người gần gấp đôi, đã thực hiện khoảng 18 triệu, theo số liệu từ Our World in Data.
Giáo sư Christine Stabell Benn từ Đại học Nam Đan Mạch cho biết chiến lược của Đan Mạch rất tốn kém nhưng chưa hiểu đúng tác dụng của việc xét nghiệm. Phương pháp này chỉ thực sự cần thiết đối với những người dễ bị tổn thương trong đại dịch.
Xét nghiệm vẫn cần thiết
Trước những nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách, chính phủ Đan Mạch nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm rộng rãi đã làm giảm tỷ lệ lây truyền và giúp mọi người tái hòa nhập xã hội, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế và cải thiện sức khỏe tâm thần của người dân. Theo một báo cáo của chính phủ công bố vào tháng 9/2021, nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng ít hơn so với các nước châu Âu khác.
Năm 2021, một nghiên cứu của Đan Mạch cũng đã chỉ ra rằng chương trình xét nghiệm và cách ly các ca mắc Covid-19 đã giúp giảm tới 25% sự lây lan dịch bệnh tại nước này. Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng chưa đủ chắc chắn để kết luận sự giảm thiểu các ca lây nhiễm có liên quan đến việc xét nghiệm hàng loạt.
Có một số lý do có thể giải thích tại sao chương trình xét nghiệm không mang lại lợi ích lớn. Đầu tiên, chương trình này đặt ra mục tiêu quá tham vọng trong khi thực tế không đơn giản. Thêm vào đó, nhiều người đã không thực hiện cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Theo một đánh giá trên Tạp chí Y khoa Anh, trước khi biến thể Omicron chiếm ưu thế, chỉ có 42,5% trường hợp mắc Covid-19 thực hiện cách ly tại nhà trong toàn bộ thời gian quy định.
Ở Anh, các xét nghiệm miễn phí hiện chỉ dành cho nhân viên y tế của chính phủ, những người có thể trạng sức khỏe nhất định và những người nhập viện. Với những đối tượng khác, ngay cả khi có các triệu chứng, vẫn phải tự chi trả cho các xét nghiệm hoặc chỉ đơn giản là được khuyên ở nhà cho đến khi họ cảm thấy tốt hơn.
Trước thực trạng nhiều quốc gia bắt đầu bỏ qua việc xét nghiệm, Madhu Pai, chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Đại học McGill ở Canada, cho biết: “Đây sẽ là một thảm họa, bởi vì chúng ta sẽ hoàn toàn mất cảnh giác nếu một biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện”./.