Xét tuyển bổ sung: Sư phạm giữ 'ngôi vương'

Đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng hơn 100 cơ sở đào tạo đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu. Đáng chú ý, rất nhiều ngành có điểm xét tuyển bổ sung cao chót vót, chủ yếu nằm ở khối ngành sư phạm.

Thí sinh nhập học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM). Ảnh: NTCC.

Thí sinh nhập học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM). Ảnh: NTCC.

Cánh cửa hẹp vào sư phạm

Ghi nhận trong số các trường ĐH thông báo tuyển bổ sung đợt 1 năm nay, ngành sư phạm có sức hấp dẫn lớn khi chỉ tiêu tuyển còn khá ít, điểm chuẩn luôn thuộc top đầu. Đơn cử, Trường ĐH Tây Bắc xét tuyển bổ sung 8 ngành sư phạm. Trong đó, cao nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn với điểm sàn xét tuyển 28,11 điểm; Sư phạm Lịch sử 28 điểm; Sư phạm Địa lý 27,96 điểm; Giáo dục Chính trị 27,78 điểm; Giáo dục Tiểu học 27,5 điểm… với tổng 28 chỉ tiêu.

Trường ĐH Tây Nguyên vừa kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 4 ngành đào tạo giáo viên gồm: Giáo dục tiểu học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Tiếng Anh. Chỉ tiêu mỗi ngành tuyển đợt bổ sung từ 1-2 chỉ tiêu, trong đó riêng điểm thi tốt nghiệp THPT đều đạt trên 25 điểm. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ theo phương án xét tuyển bằng học bạ hoặc điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.

Tương tự, các Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) và Trường ĐH Quảng Nam cũng vừa hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung vào một số ngành sư phạm. Điểm nhận hồ sơ của các ngành đều rất cao. Trong đó, xét theo phương thức điểm thi THPT năm 2024 cao nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Phạm Văn Đồng với 26,6 điểm và Trường ĐH Quảng Nam là 25,74 điểm.

Trong 31 ngành học xét tuyển bổ sung của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) có 6 ngành sư phạm. Đáng chú ý, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có điểm sàn xét tuyển lên đến 28,58 điểm với 2 chỉ tiêu. Một số ngành sư phạm khác của trường cũng có điểm sàn xét tuyển bổ sung cao như ngành Giáo dục tiểu học 28,42 điểm; Sư phạm Toán 26,28 điểm; Giáo dục mầm non 26,2 điểm; Sư phạm khoa học tự nhiên 25,75 điểm. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đến 17h ngày 8/9. Trường không nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ, chỉ xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng xét tuyển bổ sung 3 ngành sư phạm, thời gian nhận hồ sơ đến 17 giờ ngày 9/9. Trong đó ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý cao nhất với mức điểm nhận hồ sơ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT từ mức 27,37; điểm học bạ THPT từ 26,8.

Chưa năm nào việc tuyển sinh của ngành sư phạm lại khởi sắc như năm nay, khi điểm chuẩn trúng tuyển ở mức cao so với nhiều ngành đào tạo khác. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều quá bất ngờ do đã được nhiều trường dự báo từ sớm. Trong dòng chảy chung là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều khối thi năm nay tăng cao trong khi chỉ tiêu xét tuyển lại giảm so với năm ngoái nên điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ nhích lên so với những năm trước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin, số lượng nguyện vọng xét tuyển vào khối ngành sư phạm năm nay tăng 85% so với năm 2023. Sự quan tâm của các em đối với ngành sư phạm một phần quan trọng nhờ chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116 nên số lượng nguyện vọng tăng vọt.

Lưu ý cơ hội

Khác với việc xét tuyển vào ĐH đợt 1 chung một mốc thời gian, ở lần xét tuyển bổ sung này thí sinh cần quan tâm đặc biệt đến thời gian xét tuyển vì một số trường chỉ xét tuyển trong thời gian ngắn. Hiện một số trường thậm chí đã công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung, trong đó đều bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 do nguyên tắc tuyển là điểm tuyển bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Tuy nhiên, mức điểm sàn xét tuyển của các trường đưa ra cũng không giống nhau, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là việc quyết định chọn ngành học nào. Mặc dù còn hàng ngàn chỉ tiêu cho các thí sinh, cơ hội vào ĐH rộng mở nhưng ở nhiều ngành hot, chỉ tiêu cũng có hạn và điểm chuẩn cũng dự kiến cao trong khi đây đã là đợt xét tuyển bổ sung, cơ hội lựa chọn ngành yêu thích cũng ít hơn so với trước. Và càng ở những lần xét tuyển bổ sung sau, cơ hội cho thí sinh chọn đúng ngành yêu thích và phù hợp càng ít đi nên cần cân nhắc kỹ.

Một yếu tố các chuyên gia nhấn mạnh thí sinh cũng cần lưu ý đó là mức học phí phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Thực tế, trong đợt tuyển sinh trước, đã có những thí sinh trúng tuyển nhưng sau đó quyết định không nhập học mà chờ cơ hội xét tuyển bổ sung do lúc đó mới cân nhắc đến yếu tố học phí.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xet-tuyen-bo-sung-su-pham-giu-ngoi-vuong-10289513.html