Xét tuyển đại học qua học bạ: Không có giải pháp triệt để sẽ không có thực chất
Mùa tuyển sinh đại học 2023 đang đến gần. Và xét tuyển đại học qua học bạ, như nhiều mùa tuyển sinh trước, một lần nữa lại dần nóng lên khi có quan điểm trái ngược nhau. Một câu hỏi đặt ra, rồi đây, sẽ có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh xuất sắc?
Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ trở thành một trong những phương thức xét tuyển đại học phổ biến. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trong cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh xét học bạ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ 2 trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).
Học bạ tiếp tục lên ngôi
Ngày 7-2-2023, Bộ GD&ĐT đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Trước đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị gửi Ban Dân nguyện của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (kỳ họp cuối năm 2022) phản ánh hiện nay nhiều tiêu cực nảy sinh trong việc “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các trường.
Trong công văn trả lời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Các trường đại học được tự chủ tuyển sinh theo luật, và Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT ban hành chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ GD&ĐT là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông vẫn phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
Thực tế cho thấy, xét tuyển qua học bạ là một trong 2 phương thức xét tuyển chiếm tỷ lệ lớn nhất trong toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm học trước và nhiều khả năng tiếp tục trong năm học 2022-2023. Phương thức xét tuyển học bạ THPT ngày càng được nhiều trường đại học áp dụng như hình thức tuyển sinh riêng. Và đây cũng là một trong những phương pháp xét tuyển được các nước tiên tiến trên thế giới đang triển khai.
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Việc xét học bạ giúp giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh. Xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ là 2 phương thức xét tuyển độc lập. Thí sinh vừa có thể điền phiếu nguyện vọng xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, vừa gửi hồ sơ xét học bạ vào cùng 1 trường. Thí sinh có thể không đậu bằng xét học bạ nhưng lại đậu bằng kết quả thi THPT quốc gia hoặc ngược lại…
Học bạ có thực chất?
Cuộc sống rất phong phú, khó tìm ra giải pháp tuyệt đối cho một vấn đề xã hội. Không phải ngẫu nhiên cử tri một số địa phương lại kiến nghị bỏ xét tuyển qua học bạ. Bởi qua thực tiễn, cử tri nhận thấy có tình trạng “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các trường THPT. Ở nhiều nơi, có những nhóm phụ huynh “nhìn xa trông rộng” đã truyền tai nhau chọn trường THPT này, trường THPT kia cho con xét tuyển vào lớp 10 để sau này có học bạ đẹp, thuận lợi khi xét tuyển đại học. Ngay khi nhập trường, giáo viên và phụ huynh đã thống nhất làm mọi cách để có được kết quả học bạ cho con em, học sinh của mình như mong muốn. Đơn giản là bởi cả giáo viên và phụ huynh đều nhận thấy lợi thế của học bạ đẹp khi xét tuyển vào các trường đại học, từ trường top thấp đến top cao. Và kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 đã ghi nhận số học bạ giỏi và xuất sắc tăng rất cao.
Như vậy khá rõ, vấn đề đặt ra: Học bạ giỏi, xuất sắc, có thực chất hay không? Nếu xét tuyển đại học qua học bạ trở thành động lực cho học sinh học hành chăm chỉ, nghiêm túc hơn và có kết quả tốt hơn, số học bạ giỏi, xuất sắc tăng lên, sẽ là điều bình thường, dễ hiểu. Ngược lại, cũng xuất phát từ phương thức xét tuyển qua học bạ, nảy sinh tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành giáo dục nghiêm trọng hơn, lây lan rộng hơn, dẫn tới tăng học sinh giỏi, xuất sắc, đó hẳn là hồi chuông báo động.
Những năm qua, điều kiện và thời gian xét tuyển học bạ sẽ do trường đại học quy định. Một số trường sử dụng điểm năm lớp 12, một số trường sử dụng điểm 3 năm THPT, một số trường xét cả hạnh kiểm… Tỷ lệ tham gia xét tuyển qua học bạ tăng dần đều trong 5 năm học vừa qua. Xét tuyển qua học bạ giảm áp lực thi THPT, hạn chế yếu tố may rủi, là xét tuyển kết quả của một quá trình, không phải chỉ qua 1 kỳ thi, qua đó con đường vào đại học của hầu hết học sinh được mở rộng và công bằng hơn.
Bộ GD&ĐT khẳng định dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông vẫn phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học. Lý lẽ là vậy, song nếu ôm trọn trái bóng nặng nề đó, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trường phổ thông trong cả nước làm tròn nhiệm vụ ấy? Trả lời câu hỏi này thật không dễ.
Giáo dục tin cậy thấp, đào tạo khó tin cậy cao
Có câu “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Kết quả giáo dục sẽ là nền tảng cho kết quả đào tạo. Nếu giáo dục cho kết quả mà độ tin cậy thấp, kết quả đào tạo khó có thể cho độ tin cậy cao.
Xét tuyển đại học qua học bạ là một phương pháp xét tuyển phổ thông nhiều nền giáo dục - đào tạo tiên tiến đã áp dụng. Cũng như hình thức đào tạo, quá trình đào tạo, loại bằng tốt nghiệp đại học và cả với bậc THPT ở Việt Nam, hiện đã như các nước có nền giáo dục - đào tạo tiên tiến, đó là không phân biệt chính quy, tại chức, từ xa, tập trung, không tập trung, phổ thông, giáo dục thường xuyên, bổ túc văn hóa... và có giá trị như nhau. Khác nhau ở chỗ, nền giáo dục - đào tạo của họ phát triển, còn chúng ta tụt hậu, ưa hình thức, nặng thành tích, cục bộ địa phương, dòng họ, làng xã.
Một thời học sinh tất cả các cấp đi học, phổ điểm trung bình, khá, giỏi, xuất sắc có tỷ lệ khá sát với sản phẩm cuối cùng của chuỗi giáo dục - đào tạo, đó là năng lực lao động trong thực tiễn. Xếp loại giỏi và xuất sắc cộng lại chỉ khoảng 5%, còn lại 30-40% khá, 50-60% trung bình, 5% yếu. Thực tiễn cuộc sống cũng như thế. Số người có tay nghề cao, có trình độ giỏi và số lao động có trình độ khá, trình độ trung bình, trình độ yếu cũng chỉ có tỷ lệ xấp xỉ như vậy. Thế nhưng hiện nay, học sinh tiểu học được điểm 7 - là điểm khá, cực kỳ hiếm. Hầu hết là điểm 10, điểm 9. Nếu được điểm 8 - điểm giỏi, cả cô, trò và phần lớn phụ huynh đều không vui. Lên bậc THCS, điểm số và tỷ lệ này có giảm đi, song vẫn phần lớn là giỏi và xuất sắc. Thế nhưng, tiếp đó là THPT, đại học và cuối cùng là lao động trong thực tiễn, tìm được người giỏi đã khó, tìm được người xuất sắc quả là rất khó.
Với bệnh sính thành tích như hiện nay, xét tuyển đại học bằng học bạ, nếu không có giải pháp triệt để, có lẽ sẽ là liều kích thích mạnh để học sinh trọn vẹn bậc phổ thông, từ tiểu học đến THPT sẽ phần lớn là giỏi và xuất sắc. Bi quan hơn, đó có thể là nền tảng tiến tới sinh viên tốt nghiệp đại học cũng hầu hết là giỏi và xuất sắc để ra trường xin việc làm cho dễ. Điều này, cũng giống như tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trong cả nước ta nhiều năm qua đều đã đạt trên 90%, thậm chí trên 95%, không thực chất.