Xét tuyển tổ hợp lạ: 'Cần xem lại nếu không đánh giá được năng lực cần có của ngành'

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh là độ tin cậy và đánh giá được đúng đầu vào của các ngành, có tính phân loại thí sinh. Nếu một phương thức xét tuyển hay một tổ hợp xét tuyển không đánh giá được năng lực cốt lõi cần có của ngành đó thì các trường cần xem lại.

Mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học điều chỉnh tổ hợp xét tuyển theo hướng đa dạng môn xét tuyển nhằm mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều tổ hợp “lạ”, không có môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo khiến nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn.

Tại Trường Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, với ngành Y khoa, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được chọn 1 tổ hợp gồm 3 môn khi đăng ký xét tuyển. Trong đó có lựa chọn tổ hợp gồm: Toán + Lý + 1 môn có điểm cao nhất ( Sinh, Hóa, Văn học, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ)... Như vậy với tổ hợp này, thí sinh có thể không chọn môn Hóa, Sinh - những môn cốt lõi liên quan đến ngành học, thay vào đó có thể xét tuyển bằng Văn học, Ngoại ngữ, Tin học hay Công nghệ…

Hay ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 4 tổ hợp xét tuyển thì có 2 tổ hợp không có môn Lịch sử là C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Trao đổi về vấn đề xuất hiện nhiều tổ hợp "lạ" trong mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, nội dung này được đưa ra tại hội nghị tuyển sinh vừa qua, thực tế nhiều trường còn chưa hiểu rõ. Nếu như những năm trước, học và thi theo chương trình GDPT 2006, học sinh học đều tất cả các môn. Tổ hợp xét tuyển có thể là 3 môn, với ngành Y thông thường các trường sẽ lấy điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Nhưng cũng có thể chấp nhận tổ hợp Toán, Hóa, Anh. Bởi môn Sinh dù không có trong tổ hợp xét tuyển nhưng chắc chắn học sinh đã được học ở bậc phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

"Nhưng với Chương trình GDPT 2018, thí sinh xét tuyển ngành Y có thể xét theo tổ hợp Toán, Hóa, Anh, nhưng ở bậc phổ thông chưa chắc đã học môn Sinh. Nhiều thí sinh chưa đủ thông tin vẫn đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp này và vẫn có thể trúng tuyển, điều này là không hợp lý", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói và cho biết, Bộ GD-ĐT đã trao đổi thống nhất với các trường trong hội nghị tuyển sinh, giao Vụ Giáo dục Đại học có công văn yêu cầu các trường rà soát lại tổ hợp xét tuyển. Việc quy định tổ hợp là quyền tự chủ của các trường, song Bộ vẫn cần nhắc nhở dựa trên quy chế tuyển sinh chung.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh rằng, nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh là độ tin cậy và đánh giá được đúng đầu vào của các ngành, có tính phân loại thí sinh. Nếu một phương thức xét tuyển hay một tổ hợp xét tuyển không đánh giá được năng lực cốt lõi cần có của ngành đó thì các trường cần xem lại.

“Các trường có thể đưa ra 2-3 tổ hợp khác nhau, ví dụ như trường Y có thể tuyển bằng tổ hợp Toán, Hóa, Anh, nhưng phải có thêm yêu cầu học sinh đã học môn Sinh ở bậc phổ thông và điểm trung bình môn Sinh là bao nhiêu. Với khối ngành sức khỏe và sư phạm Bộ cũng sẽ đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào theo hướng như vậy, buộc các em đã thi vào ngành nào sẽ có kiến thức về môn học trong chương trình đào tạo ngành đó. Như vậy, những môn cốt lõi liên quan đến ngành học có thể không có trong tổ hợp xét tuyển nhưng buộc các em phải được học trong 3 năm phổ thông", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xet-tuyen-to-hop-la-can-xem-lai-neu-khong-danh-gia-duoc-nang-luc-can-co-cua-nganh-post1189382.vov