Xét xử đại án hoán đổi đất công: Nữ đại gia được ông Tài và thuộc cấp hết sức hỗ hỗ trợ

Đề xuất hoán đổi tài sản công ty của bị cáo Diệp lấy đất công từng bị Sở Tài chính từ chối, tuy nhiên do bị cáo quen biết với bị cáo Nguyễn Thành Tài- Cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM nên việc hoán đổi đổi được tiến hành.

Theo cáo trạng, Dương Thị Bạch Diệp là Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3. Thông qua người quen, bị cáo Diệp biết Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM đang có chủ trương tìm đối tác để nâng cấp, cải tạo.

Bị cáo Diệp có ý định hợp khối khu đất số 179bis, 181,183 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3 với tài sản của Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM để xây khách sạn 5 sao, bà Diệp đã gặp Vy Nhật Tảo- Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM bàn bạc và đặt vấn đề sẽ xây Trung tâm ca nhạc ở một nơi khác rộng, khang trang hơn và được Tảo đồng ý.

Bị cáo Tài và Diệp tại Tòa.

Bị cáo Tài và Diệp tại Tòa.

Ngày 8/4/2008, bị cáo Diệp làm đơn xin hoán đổi nhà số 57 Cao Thắng của mình với nhà 185 Hai Bà Trưng thế nhưng bị lãnh đạo Sở Tài chính bác, không có căn cứ xem xét hoán đổi.

Không dừng lại, Diệp tiếp tục bàn với Vi Nhật Tảo đưa ra đề nghị sẽ hỗ trợ Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM 20 tỷ để sửa chữa nhà 57 Cao Thắng nếu được hoán đổi. Tảo tiếp tục xúc tiến với lãnh đạo Sở VHTT&DL sau đó được chấp thuận chủ trương.

Để làm cơ sở, bị cáo Diệp đã trưng ra các giấy tờ gốc thể hiện công ty của mình sở hữu hợp pháp căn nhà số 57 Cao Thắng cho Vy Nhật Tảo xem. Nhưng ngày 31/12/2008, Diệp đã đem thế chấp giấy tờ căn nhà trên tại Ngân hàng Agribank.

Nhờ sự giúp sức của các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách việc hoán đổi đất tư và công được thực hiện.

Nhờ sự giúp sức của các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách việc hoán đổi đất tư và công được thực hiện.

Ngày 9/7/2009, Diệp tiếp tục làm đơn gửi Nguyễn Thành Tài- Phó chủ tịch UBND TP HCM xin chủ trương hoán đổi nhà 57 Cao Thắng với nhà 185 Hai Bà Trưng và được Tài tiếp nhận, chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu, xem xét.

Dưới sự chỉ đạo của Tài, thủ tục hoán đổi được tiến hành. Tuy nhiên, trong các cuộc họp tiếp xúc, Diệp không hề cho biết toàn bộ giấy tờ tài sản 57 Cao Thắng đã bị thế chấp ở ngân hàng.

Tuy nhiên, dưới sự giúp sức của Tài và các lãnh đạo ban hàng, việc hoán đổi diễn ra suôn sẻ, Diệp được cấp GCN tài sản 185 Hai Bà Trưng. Diệp tiếp tục mang giấy tờ đi thế chấp ngân hàng, trong khi Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM không thể làm thủ tục được tài sản 57 Cao Thắng vì tài sản này cũng nằm trong ngân hàng.

VKS cho rằng hậu quả của việc hoán đổi đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước 186 tỉ đồng

VKS cho rằng hậu quả của việc hoán đổi đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước 186 tỉ đồng

Với hành vi trên, VKS cho rằng hậu quả của việc hoán đổi đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước 186 tỉ đồng. Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Thành Tài và các ông Vi Nhật Tảo, Trần Nam Trang (cựu phó giám đốc Sở Tài chính), Nguyễn Thành Rum (cựu giám đốc Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch), Lê Tôn Thanh (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP HCM), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó giám đốc Sở TN&MT TP HCM) và Huỳnh Kim Phát, Lê Văn Thanh (cùng là cựu Phó Chánh văn phòng UBND TP HCM) bị truy tố theo khoản 2, Điều 285, Bộ luật hình sự năm 1999.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo khoản này, bị cáo có thể bị phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tại các phiên xét xử, đối chất tại tòa, Diệp cho rằng đại diện ngân hàng và Sở TN&MT trả lời không đúng sự thật. Diệp cũng cho rằng, toàn bộ tài liệu do Agribank và sở cung cấp đều là giả mạo. Bị cáo nói: “Đối với các tài liệu này, tôi có quyền nghi ngờ đến 90% vì có thể giả mạo. Tôi không tin vào CQĐT. Giờ không có gì là không làm giả được… Và kết luận giám định của công an cũng không đáng tin cậy”.

Bị cáo Diệp khẳng định chính là người đi nộp hồ sơ để cập nhật tài sản tại thửa đất 57 Cao Thắng. Vì vậy cũng là người của Công ty Diệp Bạch Dương đi nhận về chứ không phải NH nhận bản chính hồ sơ này. Đồng thời bà Diệp khẳng định khi bà và con gái (thành viên Công ty Diệp Bạch Dương) ký văn bản mượn lại tài sản (tháng 1-2011) thì hồ sơ hoàn công đã được hoàn tất từ trước đó.

Trả lời HĐXX về việc bà Diệp cho rằng tài liệu của NH giả mạo, đại diện Agribank nói hồ sơ đã thể hiện rõ, còn khai sao là quyền của bà Diệp. Về việc bà Diệp nói chữ ký giả mạo, đại diện ngân hàng cho biết CQĐT đã giám định chữ ký, kết quả đều do một người ký ra.

Đáng chú ý, tại phiên xử ngày 17/3, khi HĐXX đang công bố bút lục hồ sơ thì bị cáo Diệp phản ứng gay gắt, lớn tiếng tại Tòa, buộc HĐXX phải tuyên tạm dừng xét xử yêu cầu đưa bị cáo Diệp ra ngoài và ghi nhận sự kiện pháp lý về hành vi tại tòa.

Theo Chủ tọa phiên tòa việc làm của bị cáo có thể bị xử lý về hành vi gây rối phiên tòa tùy theo mức độ và tính chất. Vì vậy chủ tọa đề nghị sáu luật sư bảo vệ cho bà Diệp làm việc với thân chủ để bị cáo bình tĩnh.

Vụ án tiếp tục được tiến hành xét xử.

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/cau-chuyen-phap-dinh/xet-xu-dai-an-hoan-doi-dat-cong-nu-dai-gia-duoc-ong-tai-va-thuoc-cap-het-suc-ho-ho-tro-75485.html