Xét xử trực tuyến hướng đến xây dựng Tòa án điện tử

Xét xử trực tuyến được đánh giá là một trong những đột phá của ngành Tòa án trong chuyển đổi số. Trên địa bàn tỉnh, xét xử trực tuyến đã và đang được tòa án nhân dân (TAND) hai cấp triển khai rộng rãi, góp phần tiết kiệm thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, giảm thiểu chi phí, đảm bảo hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.

 Tòa án Nhân dân huyện Văn Lãng tổ chức xét xử trực tuyến

Tòa án Nhân dân huyện Văn Lãng tổ chức xét xử trực tuyến

Từ năm 2022 đến nay, xét xử trực tuyến đã được TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh triển khai rộng rãi để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án. TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh triển khai xét xử trực tuyến với điểm cầu trung tâm là hội trường xét xử của tòa án, điểm cầu thành phần là trại tạm giam Công an tỉnh, nhà tạm giữ của Công an các huyện. Các điểm cầu được kết nối với nhau thông qua môi trường mạng và thiết bị điện tử. Phiên tòa trực tuyến cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại nhiều địa điểm ngoài phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa.

Theo ông Dương Xuân Tĩnh, Chánh án TAND thành phố Lạng Sơn, phiên tòa trực tuyến được TAND thành phố triển khai từ năm 2022 với 3 vụ án thí điểm. Từ năm 2023 đến nay Tòa án thành phố đã tổ chức được 23 phiên tòa trực tuyến đối với những vụ án phù hợp. Phiên tòa trực tuyến được tổ chức giúp các cơ quan tố tụng không cần dẫn giải bị cáo đến tòa mà vẫn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Phùng Đức Chính, Phó Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Xét xử trực tuyến là nội dung triển khai theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá hướng tới xây dựng tòa án điện tử. Ngay khi có chỉ đạo của TAND tối cao, TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND các huyện khắc phục khó khăn bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp mạng internet để tổ chức xét xử trực tuyến theo hướng dẫn. Phiên tòa được tổ chức trực tuyến vẫn đảm bảo theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Đồng thời tuân thủ đúng, đủ các quy định của pháp luật; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên tòa.

TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh hiện đang tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Việc xét xử trực tuyến phù hợp với những vụ án mà đương sự, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở những vùng có dịch, vùng bị thiên tai hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Thông qua mạng internet và các thiết bị điện tử họ có thể dễ dàng tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp.

Việc xét xử trực tuyến cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với những vụ án về kinh tế, tham nhũng, vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… bởi phương pháp tiến hành tố tụng này cho phép người bị hại, người làm chứng, luật sư cũng như những người tố tụng khác tham gia phiên tòa tại nhiều địa điểm khác nhau. Với những vụ án hành chính, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện, giảm bức xức cho người khởi kiện.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của tỉnh cũng như của ngành, thời gian qua, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai ứng dụng nhiều nền tảng số, ứng dụng số vào quản lý hoạt động chuyên môn như: “Trợ lý ảo”, phiên tòa trực tuyến; hệ thống quản lý hoạt động tố tụng; triển khai dịch vụ đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu (bản sao); dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành tòa án. Nổi bật trong công tác chuyển đổi số ở ngành tòa án thời gian gần đây là triển khai tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Việc xét xử trực tuyến đã tiết kiệm được nhiều thời gian cho các cơ quan tố tụng, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như các chi phí xã hội khác của người dân.

Từ năm 2022 đến nay, TAND hai cấp trong toàn tỉnh đã tổ chức 208 phiên tòa trực tuyến trong xét xử các vụ án. Xét xử trực tuyến là một trong những đột phá trong cái cách tư pháp của hệ thống tòa án, giúp hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm chi phí, thời gian tiến hành tố tụng. Thời gian tới, TAND hai cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai xét xử trực tuyến nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chuyên môn, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của tòa án.

HOÀNG VƯƠNG - ĐĂNG THÙY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xet-xu-truc-tuyen-huong-den-xay-dung-toa-an-dien-tu-5015725.html