Xét xử vụ án Công ty Alibaba: Bị cáo Nguyễn Thái Luyện nói gì trước tòa?
'Tôi đề nghị phần nào khách hàng muốn nhận đất thì công ty giao đất, phần nào khách hàng muốn thanh lý thì chúng tôi trả tiền', Nguyễn Thái Luyện nói.
Chiều 19/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba. Trước đó, sáng cùng ngày, đại diện VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phần tự bào chữa chiều nay, Nguyễn Thái Luyện một lần nữa khẳng định mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách và không đồng ý với cáo buộc, luận tội của viện kiểm sát. Luyện bào chữa rằng, mình không hề lừa dối vì thực tế đã hoàn tất chuyển nhượng đất và giấy chứng nhận QSDĐ cho nhiều khách hàng.
"Sau 3 năm bị khởi tố và bị thất thoát rất nhiều thứ, tôi đề nghị tòa, phần nào khách hàng muốn nhận đất thì công ty giao đất, còn phần nào khách hàng muốn thanh lý thì thanh lý và chúng tôi trả tiền", Luyện nói trong phần tự bào chữa.
Luyện cho rằng, trong bản luận tội, VKSND nêu bản thân Luyện phân lô tách thửa sai pháp luật và không hề nhắc tới hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng. Thế nhưng, VKSND lại kết luận bị cáo lừa đảo và đề nghị mức án đến chung thân. Điều này không hợp lý.
Đại diện bào chữa cho Nguyễn Thái Luyện, luật sư Phan Thanh Hưng cho rằng, trong quá trình điều tra, có nhiều khách hàng được xác định là các bị hại trong vụ án cho biết Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Luyện đã thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng cho đến khi bị bắt tạm giam và khởi tố hình sự. Một số bị cáo chính là bị hại trong vụ án. Do đó, dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong tình huống này là chưa thuyết phục.
Hàng trăm bị hại có mặt tại tòa.
Bên cạnh đó, các hình thức Luyện sử dụng lập dự án phân lô bán hàng được cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản nên vẫn còn hiện hữu trên thực tế, hoàn toàn có thể xử lý tài sản kê biên bảo để đảm việc thi hành án đối với các phán quyết của tòa án liên quan trong vụ án này. Việc này có thể khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi sai phạm của bị cáo trong vụ án gây ra.
"Bị cáo Luyện phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự, hiện đang có hai người con còn nhỏ dại...Tuy không nhận tội theo truy tố của VKSND nhưng trong quá trình điều tra, bị cáo đã trình bày rất nhiều nội dung về hành vi của mình và các sự việc đã xảy ra. Bị cáo không hề chối bỏ, gian dối về các hành vi thực tế nên cũng kính mong HĐXX xem xét cân nhắc khi quyết định hình phạt", luật sư Phan Thanh Hưng nói.
Sáng 19/12, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, các bị cáo khác đều bị đề nghị mức án từ 12 - 20 năm tù.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị đề nghị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 - 14 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung bị đề nghị là 30 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 10 - 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung bị đề nghị là 30 năm tù.
Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội rửa tiền
VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại với hơn 2.400 tỷ đồng. Buộc Võ Thị Thanh Mai nộp lại 13 tỷ đồng đã thu lợi bất chính.