Xét xử vụ án tại Công ty Pháp Việt: 111 bị cáo cưỡng đoạt 456 tỷ đồng của 172.629 nạn nhân

TAND tỉnh Tiền Giang vừa đưa Trần Văn Châu (PGĐ Cty Luật TNHH Pháp Việt) cùng 110 đồng phạm ra xét xử về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Cảnh sát khám xét trụ sở Công ty Pháp Việt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Cảnh sát khám xét trụ sở Công ty Pháp Việt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Manh mối phá án từ lời đe dọa “nổ bình gas trường học”

Theo cáo trạng, giữa tháng 10/2022, Ban Giám hiệu và nhiều giáo viên trường tiểu học ở TX Cai Lậy nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn khủng bố tinh thần, buộc cho bé gái 8 tuổi đang học lớp 3 tại đây phải nghỉ học. Nhóm này còn đem bình gas đến trường dọa cho nổ.

Công an Cai Lậy vào cuộc truy xét, xác định trước đó cậu của bé gái vay tín chấp một ngân hàng tại Long An 50 triệu đồng, hạn trả trong 3 năm. Trả được 3 tháng tiền lãi, gốc 7,5 triệu đồng thì mất khả năng chi trả tiếp, người vay đổi số điện thoại, trốn đến Bình Dương làm công nhân.

Người này sau đó nhận được điện thoại từ một thanh niên lạ, yêu cầu trả gốc và lãi 180 triệu đồng, nếu không “sẽ giết con, cháu”. Cảnh sát xác định các số điện thoại nhắn tin, gọi điện đến thuộc Cty Luật TNHH Pháp Việt, trụ sở chính TP HCM.

Tháng 2/2023, công an khám xét Cty Pháp Việt, sau đó tạm giam Châu, Hồ Quốc Hùng (PGĐ Cty Pháp Việt), Nguyễn Đình Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng) và 19 người; các bị cáo còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo điều tra, năm 2013, Châu, Hùng cùng làm ở bộ phận xử lý nợ của ngân hàng và Cty tài chính tại TP HCM; từng tuyển dụng nhiều nhân viên, liên kết Cty thu hồi nợ, ký hợp đồng với các ngân hàng, Cty tài chính để thu hồi nợ, lấy phí dịch vụ.

Tháng 7/2020, Châu mua lại giấy phép kinh doanh Cty Pháp Việt, thuê 1 nữ luật sư đứng tên với giá 15 triệu/tháng, đã lợi dụng danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép "đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật" để tổ chức hoạt động thu hồi nợ. Mọi việc quản lý, điều hành hoạt động do Châu nắm; còn Hùng đưa ra các giải pháp thu hồi nợ và đốc thúc thu hồi nợ.

Từ 1/1/2021 - 14/2/2023. Cty ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với 7 ngân hàng, Cty tài chính thực chất là để "đòi nợ thuê". Theo thỏa thuận, Cty Pháp Việt sẽ được trả 18 - 50% trên tổng số tiền đã thu hồi được (tùy vào thời gian nợ xấu của người vay).

Châu và Hùng bổ nhiệm các trưởng phòng để quản lý tuyển dụng 20 nhóm có nhiệm vụ khác nhau. Nhân viên được tuyển dụng có trình độ học vấn lớp 12, khả năng giao tiếp lưu loát, biết sử dụng điện thoại di động, máy tính bàn, các mạng xã hội... với mức lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng. Nếu thu hồi vượt mức sàn 40 - 100 triệu đồng sẽ hưởng 7%; 100 - 180 triệu được hưởng 8%; từ 180 triệu đồng trở lên được hưởng 9%. Nếu trong 3 tháng liên tục chỉ thu hồi được dưới 90 triệu đồng, sẽ bị cho thôi việc.

Với các trưởng nhóm, mức lương 12,5 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền thu hồi được của nhóm dưới 700 triệu đồng/tháng thì tiền thưởng cho trưởng nhóm là 0,9%; trên mức này thì được hưởng 1,1%.

Bị cáo Châu tại phiên xử. (Ảnh: Lương Hổ)

Bị cáo Châu tại phiên xử. (Ảnh: Lương Hổ)

5 doanh nghiệp “đối tác” chưa nộp lại tiền liên quan vụ án

Hàng tháng, Cty Pháp Việt nhận các file thông tin về nợ xấu từ 7 Cty tài chính, ngân hàng. Trưởng nhóm hướng dẫn cách thức thu hồi nợ, thủ đoạn đe dọa, gây áp lực để đòi nợ thông qua "Tháp giải pháp" gồm 3 cấp độ.

Cấp độ 1 là gọi điện nhắc nhở và chửi bới, đe dọa để khách trả tiền. Cấp độ 2 là gọi điện đe dọa giết người thân, ghép hình nhạy cảm đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm. Cấp độ 3 là gửi vòng hoa tang, bình gas, xăng... đến nhà, cơ quan của khách (hoặc người thân) để đe dọa, uy hiếp buộc trả tiền vay.

Theo cáo trạng, Châu và Hùng chỉ đạo trưởng nhóm và 579 nhân viên thuộc 20 nhóm dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của 172.629 người vay tiền của các ngân hàng, Cty tài chính để cưỡng đoạt số tiền 456 tỷ đồng. Băng nhóm này được các “đối tác” trả phí hơn 168 tỷ đồng. Châu và Hùng giữ vai trò chủ mưu, trực tiếp tổ chức việc thực hiện tội phạm, các đối tượng còn lại trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc giúp sức tích cực.

Trong vụ án này, Châu hưởng lợi 15 tỷ đồng, Hùng hưởng lợi 12 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, các bị hại đều không yêu cầu bồi thường thiệt hại. 98 bị cáo đã giao nộp một phần số tiền hưởng lợi từ hành vi gây án từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đã kê biên nhiều thửa đất, nhà, ô tô của Châu và Hùng.

Cơ quan tố tụng cũng yêu cầu 7 ngân hàng, Cty tài chính giao nộp các khoản tiền mà Cty Pháp Việt đã thu hồi nợ của khách, vì đây được cho là tiền liên quan hành vi gây án của các bị cáo. Tuy nhiên, chỉ mới có 2 DN nộp lại, hoặc gửi vào tài khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM hơn 152 tỷ đồng. Số tiền này được phong tỏa đến khi có yêu cầu giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. 5 ngân hàng, Cty tài chính còn lại chưa thực hiện yêu cầu của cơ quan tố tụng.

Lương Hổ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xet-xu-vu-an-tai-cong-ty-phap-viet-111-bi-cao-cuong-doat-456-ty-dong-cua-172629-nan-nhan-post521648.html