Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Bị cáo phản bác lời khai
Ngày 9/8, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh bước sang ngày làm việc thứ 2 trong phiên sơ thẩm, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ).
Tại tòa hôm nay, khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà trình bày, về việc bán 118 lô đất, theo bị cáo này thì ý kiến của các bị cáo khác trình bày tại phiên tòa là chưa phản ánh trung thực, đúng bản chất.
Theo quan điểm của bị cáo Ngà, việc công ty triển khai 118 lô đất hoàn toàn đúng đắn, hợp lý, phù hợp với hoạt động, phù hợp với tình trạng của công ty trong thời điểm đấy, phù hợp với pháp luật. Cơ sở để cho HĐQT ra nghị quyết để triển khai kinh doanh 118 lô đất là dựa trên các tiêu chí rất đặc trưng, rất cơ bản của hoạt động một công ty cổ phần.
Theo bị cáo Ngà, thời điểm khi triển khai bán 118 lô đất, tình trạng vốn của công ty đang ở bờ vực phá sản, hoàn toàn không còn vốn để sản xuất kinh doanh, duy trì sự tồn tại của công ty.
Với dự án duy nhất mà công ty đang đầu tư thì thiếu trầm trọng tất cả những yếu tố mà có thể triển khai tiếp, dẫn đến khả năng bị thu hồi dự án rất là cao.
"Bản thân việc triển khai, theo đánh giá của bị cáo, HĐQT công ty có ý chí tuân thủ pháp luật rất cao. Vì vậy nên mới thuê công ty tư vấn luật tư vấn cho công ty về pháp luật. Việc này là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, hoàn toàn không có động cơ gì" – bị cáo Ngà khai trước tòa.
Theo vị nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ, khi chuyển nhượng 118 lô đất, công ty đã thuê một đơn vị tư vấn luật. Đơn vị này tư vấn 75 lô đất có thể làm thủ tục chuyển nhượng cho khách hàng ngay.
Với 43 lô đất còn lại chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chuyển nhượng toàn bộ hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất; giai đoạn thứ 2 khi công ty hoàn thành xong việc xây thô thì mới thực hiện chính thức việc chuyển nhượng sang cho khách hàng và bà Ngà cho biết, HĐQT công ty ra chủ trương thực hiện theo đúng như tư vấn của công ty luật.
Về chức trách, nhiệm vụ của mình, bị cáo Ngà trình bày, theo quy định thì bị cáo được quyền tham gia tất cả các cuộc họp của HĐQT, được quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.
Về giá của 118 lô đất, với chức trách kiểm soát của mình, bị cáo Ngà nói không phát biểu ý kiến trước khi thành viên điều hành và HĐQT có ý kiến. Bởi để HĐQT ra được quyết sách và giá bán, bà Ngà cho hay trước tiên phải dựa vào tham mưu của các ban, phòng của công ty.
Trả lời trước thông tin các bị cáo khác khai mình là người đề xuất giá, bị cáo Ngà khẳng định không có.
"Bị cáo khẳng định không có chuyện đề xuất giá nếu không có sự tham mưu, không có quyết sách của HĐQT, vì ban kiểm soát không có tư cách để đề xuất giá, không có tư cách biểu quyết, phủ quyết nên chắc chắn không bao giờ có chuyện bị cáo đề xuất giá" – bị cáo Ngà khai.
Về việc bán giá chênh lệch, bị cáo Ngà khai không biết. Với thông tin những khách hàng mua đều nói phải mua với giá cao hơn, bị cáo này giải thích, với 118 sản phẩm, Công ty Tây Hồ không trực tiếp bán cho từng khách hàng mà thông qua hình thức hỗ trợ tài chính.
Những đối tác hỗ trợ tài chính được quyền giới thiệu khách hàng đến công ty Tây Hồ để làm thủ tục ký hợp đồng, công ty không trực tiếp làm với một khách hàng nào.
Hỗ trợ tài chính được hiểu là cho công ty vay 1 lượng tiền, được quyền giới thiệu khách hàng mua sản phẩm đủ điều kiện của công ty tương ứng với mức hỗ trợ tài chính.
Đáng chú ý, tại tòa hôm nay, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đã phản bác lại một số lời khai tại giai đoạn điều tra. Theo bị cáo Ngà, thời điểm mới bị tạm giam, bị cáo bị khủng hoảng tinh thần, ngất nhiều lần và không được tiếp xúc với người thân.
Thậm chí, bà Ngà còn khai trước tòa rằng có một điều tra viên từng nói với mình rằng phải chứng minh được tội, đe dọa nếu không hợp tác khai thì "thằng Hoàng (một người cháu ruột của bà Ngà, đang điều hành Công ty Tây Hồ thời điểm sau khi các bị cáo bị bắt – PV) trong một tháng nữa sẽ bị bắt ở đây".
Với một số lời khai được HĐXX công bố sau đó, bà Ngà phản bác, nói thời điểm đó chịu đe dọa của điều tra viên "sẽ bắt thêm cả con ruột của bị cáo" nên rất hoảng loạn, các bản cung đó là theo ý chí của điều tra viên.
Hôm nay, theo giấy triệu tập của tòa án, điều tra viên Vũ Hoài Linh (điều tra viên được phân công điều tra vụ án) đã có mặt tại tòa.
Trình bày trước HĐXX, điều tra viên Vũ Hoài Linh cho biết, ông khẳng định toàn bộ quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án hoàn toàn khách quan, dựa trên tài liệu chứng cứ của vụ án.
Các nội dung liên quan bị cáo Ngà được thu thập khách quan dưới sự chứng kiến của luật sư, không có chuyện ép cung, mớm cung hoặt bất cứ hình thức gì.
Theo vị điều tra viên này, thời điểm đó bà Ngà nhìn nhận đúng vấn đề, thừa nhận, thành khẩn khai báo cho đến khi sau này bị cáo Ngà thay đổi lời khai
"Tôi khẳng định không có chuyện như bị cáo vừa khai tại tòa..." – điều tra viên Vũ Hoài Linh nói.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thể hiện, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50/09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.
Cơ quan truy tố cáo buộc, Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc đại diện vốn của Tổng Công ty Xây dựng tại Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ), Chu Thị Ngọc Ngà (Trưởng ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ), Nguyễn Tấn Hoàng là các thành viên HĐQT, trưởng phòng kinh doanh thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước.