Xét xử vụ Việt Á: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương xin giảm nhẹ hình phạt tù cho bản thân và cấp dưới
Trước bục khai báo, cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng bày tỏ mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt tù cho cá nhân và các bị cáo từng là cấp dưới của mình...
Ngày 9/1, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á tiếp tục phần tranh luận, HĐXX cho phép các bị cáo có thể tự bào chữa hoặc bổ sung thêm những nội dung mà luật sư đã trình bày.
Bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương mong muốn HĐXX xem xét thêm các yếu tố, động cơ, hành vi, thiệt hại đối với tỉnh Hải Dương.
Ông Thăng trình bày, việc thiệt hại của tỉnh Hải Dương là nằm trong không gian, phạm vi của một tỉnh chứ không phải tính chất chi phối tỉnh khác trên phạm vi rộng.
Mức độ thiệt hại ở tỉnh Hải Dương đứng thứ 3 trên cả nước. Song, ông Thăng thấy rằng mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo tại tỉnh Hải Dương là cao nhất trong tất cả các cơ quan, địa phương có liên quan đến Việt Á.
"Nguyên là người đứng đầu cấp ủy tỉnh Hải Dương, tôi xin nhận trách nhiệm những gì thuộc về tôi và tha thiết kính mong quý tòa, HĐXX cũng như VKS để giảm nhẹ hình phạt tù đối với cá nhân bị cáo và cấp dưới trong vụ án này, là những người kề vai sát cánh trong chống dịch", ông Thăng nói.
Ông Thăng cho rằng, tỉnh Hải Dương giá trị về kinh tế đứng thứ 11 trên cả nước, dân số 2 triệu người (chưa tính dân số cơ học) cho nên phải cách ly, phong tỏa ước tính thiệt hại một ngày là 300 tỷ đồng. Trong khi đó, Hải Dương phải phong tỏa 16 ngày. Trong thời gian đó, Hải Dương đã quyết tâm dập dịch.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng mong được HĐXX xem xét một mức án hợp lý hơn, thấp hơn so với đề nghị của VKS.
Trước đó, ông Thăng bị cơ quan tố tụng đề nghị 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
"Bản thân bị cáo từng là Ủy viên Trung ương Đảng, đã phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất đó là khai trừ khỏi Đảng. Hình thức kỷ luật trên là điều đau đớn nhất mà bị cáo phải chịu, và trước mắt sẽ tiếp tục là những hình phạt tù", ông Thăng nêu.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng xin HĐXX cho được trình bày về thời điểm 2 lần nhận tiền từ Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Việt Á).
Ông Hùng cho biết, cả 2 lần nhận tiền của Việt đều là những dịp lễ, tết. Theo bị cáo nhận thức khi đó, việc nhận quà là theo truyền thống của người Việt Nam, mọi người đến gặp gỡ, cảm ơn nhau vì những việc đã xảy ra trước đó.
Ông Hùng bày tỏ, việc nhận tiền của Việt là nỗi đau lớn nhất đối với bị cáo khi đã làm mất đi thành quả học tập, lao động trong 37 năm công tác.
Cựu vụ trưởng cho rằng, những tham mưu của bản thân cho bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (cựu Bộ trưởng và cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) đã thành công, đạt mục đích. Cụ thể là kit test Việt Á đạt chất lượng ở đúng "thời điểm lịch sử". "Bộ kit ra đời không phải tội lỗi, mà sai phạm ở quá trình sau đó", bị cáo Hùng giãi bày.
Là một trong số ít bị cáo xin được bổ sung ý kiến, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm, nói "vụ án xuất phát từ tôi mà ra" và cho rằng bản thân sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trước tòa, Việt muốn bày tỏ thêm về các tình tiết trong vụ án để HĐXX có cái nhìn đầy đủ, rõ bản chất và có thể giảm nhẹ tội đối với các bị cáo trong vụ án. Cụ thể, tại Hải Dương, Việt Á là một trong những đơn vị được Bộ Y tế phái xuống để hỗ trợ tỉnh chống dịch.
Sau khoảng 2 tuần chống dịch nhưng không hiệu quả, Việt trực tiếp đến gặp ông Phạm Xuân Thăng và chỉ ra chiến lược chống dịch, đồng thời cam kết trong 2 tuần giúp Hải Dương làm chủ tình hình và sau 2 tuần tiếp theo giúp Hải Dương khống chế được dịch. May mắn sau khoảng 4 tuần sau Hải Dương đã khống chế được dịch.
"Lúc đó, bị cáo còn nhớ ông Thăng có nói nếu chú gặp anh sớm 10 ngày có lẽ đã bớt căng rồi" Việt nhớ lại.
Việt trình bày tiếp, đối với Bắc Giang khi xảy ra dịch có 8 đơn vị về đây chống dịch, rút kinh nghiệm từ Hải Dương nên Việt Á không vào ngay từ đầu. Khoảng 1 tháng sau, khi tình hình căng hơn, Bắc Giang nhờ Việt Á vào chống dịch giúp và đúng như lời cam kết, khoảng gần 3 tuần sau đã dập dịch thành công.
Trước đó, viện kiểm sát đã đề nghị mức án cho 38 bị cáo thuộc 6 nhóm tội, với mức án cụ thể như sau:
Nhóm bị xét xử về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ":
1. Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị đề nghị 15-16 năm tù tội vi phạm đấu thầu, 15-16 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt 30 năm tù. Trước đó, Việt bị Tòa quân sự phạt 25 năm tù (án chưa có hiệu lực pháp luật).
2. Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, bị đề nghị 8-9 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu, 8-9 năm tù tội đưa tối lộ, tổng hợp 16-18 năm tù. Trước đó, Hiệp bị Tòa quân sự phạt 6 năm tù (án chưa có hiệu lực pháp luật).
Nhóm bị xét xử tội "nhận hối lộ":
3. Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, 19-20 năm tù.
4. Nguyễn Huỳnh, cựu Phó phòng giá, Cục Quản lý dược, từ 9-10 năm tù.
5. Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình Bộ Y tế, 8-9 năm tù.
6. Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, từ 8-9 năm tù.
7. Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 14-15 năm tù. Trước đó, ông Hùng bị Tòa quân sự phạt 15 năm tù (án chưa có hiệu lực pháp luật).
8. Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, từ 13-14 năm tù.
Nhóm bị xét xử tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí":
9. Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 3-4 năm tù.
10. Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 3-4 năm tù.
Nhóm bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ":
11. Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý nguyên phó thủ tướng, từ 7-8 năm tù.
12. Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, từ 5-6 năm tù.
13. Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, từ 5-6 năm tù.
Nhóm bị xét xử tội "đưa hối lộ":
14. Phạm Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính trong Công ty Việt Á, từ 4-5 năm tù.
15. Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á, từ 4-5 năm tù.
Nhóm bị truy tố tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng":
16. Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á, từ 36-48 tháng tù.
17. Lê Trung Nguyên, nhân viên Công ty Việt Á, 36-42 tháng tù.
18. Trần Tiến Lực, nhân viên Công ty Việt Á, 36-42 tháng tù.
19. Nguyễn Mạnh Cường, cựu kế toán trưởng CDC Hải Dương, 30-36 tháng tù.
20. Nguyễn Thị Trang, cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính, Sở Tài chính Hải Dương, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
21. Lâm Văn Tuấn, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang, 6-7 năm tù.
22. Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng tài chính, CDC Bắc Giang, 36-42 tháng tù.
23. Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Phan Anh (Bắc Giang), 42-48 tháng tù.
24. Phan Thị Khánh Vân, nghề nghiệp tự do, 4-5 năm tù.
25. Vũ Văn Doanh, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thăng Long, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
26. Tạ Ngọc Chức, Giám đốc Công ty Thẩm định và Đầu tư Toàn Cầu, 24-30 tháng tù.
27. Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
28. Nguyễn Thị Hồng Thắm, cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An, 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
29. Hồ Công Hiếu, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá Miền Nam, chi nhánh Nghệ An, 24 - 36 tháng tù cho hưởng án treo.
30. Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
31. Tiêu Quốc Cường, cựu Kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương, 4-5 năm tù.
32. Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên CDC Bình Dương, 2-3 năm tù.
33. Trần Thanh Phong, Phó phòng tài chính, CDC Bình Dương, 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
34. Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty VNDAT, 3-4 năm tù.
35. Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc dự án Công ty VNDAT, 30-36 tháng tù.
36. Ninh Văn Sinh, cựu Phó giám đốc Công ty định giá Trung Tín, 18-24 tháng tù.
Nhóm bị xét xử tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi":
37. Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo Dục, 3-4 năm tù.
38. Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty SNB Holdings, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.