Xin đừng làm nóng thêm

Liên quan đến chất lượng nguồn điện và việc vận hành, cung cấp điện năng, những ngày qua có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một số 'cư dân mạng' còn chế thành đủ thứ ngôn ngữ biểu đạt, từ tấu hài đến viết, vẽ thu hút nhiều người xem và bình luận. Dù biết rằng đây là một kênh phản biện xã hội góp phần thúc đẩy sự tường minh trong công tác quản lý của ngành điện, tuy nhiên không nên lạm dụng.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhận diện về khả năng thiếu điện trong mùa khô 2023 do những hình thái thời tiết cực đoan, từ đầu năm Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua. Theo đó, nhiều giải pháp tiết kiệm điện, chủ động nguồn cung đã được quyết liệt triển khai. Tuy nhiên sự nỗ lực của con người vẫn là hữu hạn trước sức tấn công khủng khiếp của thiên nhiên. Những ngày qua thông tin nhiều hồ thủy điện đã ở dưới “mực nước chết” là thực tế. Trong khi đó nguồn điện tái tạo luôn có sự rủi ro, thiếu ổn định, nhà máy nhiệt điện thì chưa được tăng thêm. Nguồn cung yếu không thể cho phép đáp ứng đầy đủ và tốt nhất nhu cầu của người dùng điện. Việc cắt điện luân phiên và chất lượng nguồn điện xuống thấp ở một số thời điểm là điều dĩ nhiên. Sau công tơ bán lẻ, quyền sử dụng điện và phản ứng của khách hàng như thế nào hoàn toàn là quyền cá nhân. Tuy nhiên, điều cần lúc này là việc phát ngôn phải thực sự mang tính xây dựng và chia sẻ mới có thể giúp thay đổi được thực tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; lấy tiết kiệm điện làm chỉ tiêu khen thưởng, kỷ luật...

Phản ứng của một bộ phận người dân gần đây liên quan đến việc cung cấp điện có thể nói là chưa thiện chí, qua đó đang gây áp lực nhiều hơn cho cơ quan chức năng. Ví dụ, cách đây chưa lâu TP Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn thành phố, trong đó đề nghị hạn chế mặc áo vest khi làm việc, dự họp, ngay lập tức trên mạng xã hội đã có những bình luận chê bai, giễu cợt. Trong khi đó, với chỉ đạo này, TP Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng mỗi ngày, giúp cho địa phương khác có thêm lượng điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tương tự, đi trên nhiều tuyến đường gần đây, nhiều người có những lời lẽ chê trách đại loại như là thành phố gì mà tối thui như cái nọ, cái kia. Nhưng rõ ràng là những bóng đèn đường không quá cần thiết ấy tắt đi đang giúp cho hoạt động sản xuất không bị ngưng trệ, và có thể khu phố nhà bạn không bị cắt điện. Thay cho phản ứng phải ủng hộ mới đúng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nêu rõ bài toán về điện cần tính toán tổng thể cả 5 yếu tố: nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện hiệu quả, hợp lý và giá điện. Trong bối cảnh mùa hè năm nay được dự báo nóng bất thường và còn kéo dài, đẩy mạnh tiết kiệm điện là việc hết sức cần thiết bên cạnh nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn điện, sản lượng điện. Thay cho thờ ơ, vô cảm với nỗi khổ của người khác, với sự khó khăn mà ngành điện đang phải đối mặt, mỗi khách hàng dùng điện hãy có việc làm phù hợp hơn thay cho việc than trách, đổ lỗi. Việc làm đúng mực của khách hàng dùng điện sẽ góp phần hạ nhiệt cuộc sống vốn đã rất nóng trong những ngày này cũng như giúp ngành điện tiếp thu một cách tốt hơn, để có sự thay đổi tích cực.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xin-dung-lam-nong-them/188319.htm