Xin đừng thờ ơ, im lặng để rồi phải 'khóc tập thể trên mạng'
Chúng ta đừng bàng quan, vô cảm, đừng bỏ lỡ cơ hội chìa tay với tha nhân để rồi sau đó nuối tiếc, chỉ còn biết 'khóc tập thể trên mạng xã hội'!
Vụ bé gái tám tuổi bị bạo hành và chết tức tưởi khiến dư luận đớn đau, phẫn nộ. Những người làm ác - người tình của cha ruột cháu và không loại trừ cả cha cháu - sẽ bị pháp luật trừng phạt. Song, rất nhiều người tự hỏi hàng xóm, láng giềng và người lớn xung quanh nói chung liệu có vô can trước cái chết oan ức này!
Một trong những luồng ý kiến nổi lên là sự trách móc hàng xóm của cháu bé đã không thực hiện tốt nghĩa vụ công dân về bảo vệ trẻ em, không báo án trong khi việc bạo hành diễn ra từ lâu.
Người ta có thể sẽ giận người mẹ kế một, giận người cha đến mười, nhưng người ta cũng đau buồn trước sự thờ ơ của những người xung quanh vì đã không ai có hành động quyết liệt nào để bảo vệ cháu bé trước những trận đòn khủng khiếp từ người mẹ kế. Có thông tin cho thấy hàng xóm có gọi đến bảo vệ chung cư nhưng rồi sau đó tất cả đều rơi vào im lặng, và người gọi (nếu có) cũng buông xuôi, coi như mình đã làm xong phận sự.
Phải chăng lòng người đang lạnh dần đi? Phải chăng sự vô cảm đang ngự trị trong trái tim chúng ta như một thứ phản xạ chỉ cần biết an toàn cho mình, người thân mình?
Những người hàng xóm ở bên trái, bên phải, ở bên trên, bên dưới và đối diện căn hộ bé gái bị bạo hành đã ở đâu, đã làm gì khi những đòn roi rút xuống cơ thể nhỏ bé, khi tiếng khóc của cháu vang lên trong đớn đau, vô vọng?
Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, quyền và tự do cơ bản của con người. Trong vụ việc thương tâm này, phải chăng hành động bạo hành của bị can - mẹ kế cháu bé, sự bỏ mặc của cha cháu và cả sự thờ ơ, không quan tâm ở nhiều mức độ khác nhau của những người xung quanh là nguyên nhân không thể chối bỏ!
Napoléon Bonaparte, người lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Pháp, từng nói: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”.
Chúng ta có Luật Trẻ em; chúng ta có nghị định (số 56/2017) quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; chúng ta có tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) rất dễ nhớ. Nhưng dường như chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ, trong đó có lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng. Chúng ta làm công tác truyền thông chưa đủ để số điện thoại khẩn cấp này ai cũng thuộc, ai cũng có thể bốc máy gọi ngay lập tức khi nghe, thấy có trẻ bị bạo hành.
Hãy tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, hãy treo, dán số điện thoại khẩn cấp này ở mọi nơi có thể. Và các cơ quan bảo vệ trẻ em hãy túc trực, sẵn sàng phản ứng nhanh khi có cuộc gọi, như cách cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã và đang làm.
Rồi sẽ có bản án hình sự và cả quyết định xử phạt hành chính nghiêm khắc được đưa ra. Nhưng trên hết, chúng ta đừng bàng quan, vô cảm, đừng bỏ lỡ cơ hội chìa tay với tha nhân để rồi sau đó nuối tiếc, chỉ còn biết “khóc tập thể trên mạng xã hội”!