Xín Mần - cuối ngọn gió Đông

Những ngày tháng 6, nắng nóng đỏ rực trên bản đồ toàn quốc, Xín Mần vẫn lạnh run người trên con đường từ trung tâm xã ra cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Heo hút chẳng một bóng người, từ trên đèo nhìn xuống khe núi trên dải Tây Côn Lĩnh, quốc môn đứng sừng sững trên lô nhô vài nóc nhà hiu quạnh. Hạ tầng cơ sở có thể gọi là sơ sài cho một khu kinh tế cửa khẩu chưa được ngăn nắp, nhưng nơi này cũng đã được đưa vào quy hoạch cho một miền Tây phát triển trong tương lai không xa của Hà Giang.

Khu vực cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Khu vực cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Người đi ngược gió

“Ông Tàu - mốc 5” là biệt danh mà dân cả vùng này dùng để gọi người đàn ông đầu tiên đến cửa khẩu Xín Mần sinh cơ lập nghiệp tên là Hà Phúc Tàu. Không khó để tìm ông, vì ngay bên hông quốc môn, ông Tàu bây giờ sinh sống cùng vợ và các con cháu trong căn nhà khang trang nhất tại khu vực cửa khẩu. Ông Tàu nói chắc nịch: “Đời tôi coi như gắn với nơi cuối cùng gió thổi trên đất Xín Mần này”. Quả thật, người thích chứng minh những điều ngược lại, thích đi ngược gió nhất là ông. Đất đai cằn cỗi, hoang vu, thời tiết khắc nghiệt làm người ta bỏ cuộc, nhụt chí, rời bỏ nơi này mà đi thì lại càng thôi thúc ông chứng minh rằng người ta đã sai.

Ông Hà Phúc Tàu người dân tộc Tày, quê ở Tuyên Quang. Năm 2005, ông tự mình làm lớn, trồng cây sả để cất tinh dầu, nhưng nếm mùi thất bại trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên vì nhiều lẽ. Day dứt mãi vì mộng làm giàu chưa thành, thôn quê thì bó buộc, ông Tàu bỏ quê lên khu vực cửa khẩu Xín Mần với ý chí phải thay đổi gia cảnh của mình và các con. Lúc đó, nơi này có con đường ra biên giới với trạm kiểm soát của lực lượng Biên phòng chốt ở cuối đường. Thôn giáp biên Tả Mù Cán dân cư thưa thớt, gió hun hút thổi vì vùng đất đã hẹp lại kẹp giữa những dãy núi cao tạo thành thung lũng, gió buốt da người.

Thời tiết khắc nghiệt quá nên có những năm gà nuôi chết dịch hàng loạt. Dân Tả Mù Cán sợ hãi mời thầy cúng ma, ăn uống, giết mổ gia súc cúng tế suốt. Ông Tàu giảng giải cho bà con, do nhốt gia súc, gia cầm chung dưới gầm sàn nhà, quây cót kín, yếm khí thì gà bị dịch bệnh chứ không phải bị ma làm, bị đánh bả. Ông bỏ tiền mua gom lại gà cho bà con rồi chăn thả. “Tôi nuôi cả đàn gà, chuồng trại đều xa chỗ ở đấy, đố ai đánh bả được”. Nói thách thế mà đúng, cả thôn gà chết dịch, riêng đàn gà của ông không bị làm sao, bán hết lứa này đến lứa khác. Dần dà, người dân trong thôn ngộ ra ông Tàu không những biết cách trồng trọt, chăn nuôi còn có tâm, có chí, muốn gây dựng thôn Tả Mù Cán, ai ai cũng có cuộc sống đi lên.

Năm 2007, ông Tàu được người dân bầu làm trưởng thôn. Tả Mù Cán qua tay ông dần có đầy đủ đường liên thôn bê tông, chuồng trại gia súc, gia cầm di chuyển ra xa nhà ở. Xưa nay, dân Tả Mù Cán cứ lấy đường trâu đi thành đường mòn, đường vào thôn xóm chắp vá luộm thuộm. Ông Tàu tiên phong vác cuốc đi sửa đường. Ai ngăn cản, ông nói cứng: “Cứ đứng trước cán cuốc tôi mà cản. Tôi làm đường dân sinh cho thôn bản, chả làm đường vào nhà tôi mà phải sợ”. Sức vóc vạm vỡ của người đàn ông chí lớn và động cơ vì lợi ích của tập thể đặt lên trên cũng khiến người dân trong bản phải nể. Những người định giữ đường, giữ đất làm của riêng cũng phải rút lui. Ông cùng bà con xây dựng lại Tả Mù Cán sau vài năm mà người đi xa trở về phải ngỡ ngàng vì sự đổi thay.

Ấm mãi những mùa Đông

Trịnh Thị Bình - người phụ nữ xinh đẹp ngồi trước mặt tôi khi bóng chiều đã phủ xuống cửa khẩu Xín Mần rưng rưng. Chị xúc động kể: “Tôi có một tấm chăn bông bộ đội cất giữ như một vật kỷ niệm đời mình. Năm nào rét buốt cũng mang ra đắp vài bữa rồi cất đi. Tấm chăn cũ ấy đã giữ tôi lại mảnh đất cuối gió này”. Đến Xín Mần sau ông Hà Phúc Tàu một năm, chị Bình cùng chồng và con gái nhỏ trú chân ở Tả Mù Cán đúng mùa Đông lạnh nhất năm 2006. Lúc đó, chưa có chủ trương gì của Nhà nước khuyến khích người dân cư trú ở biên giới, chị Bình cũng vì mưu sinh mà trụ lại ở đây. Một đêm mưa gió đi làm về, căn lều lụp xụp của chị bị kẻ gian lấy cắp hết đồ đạc có giá trị, mất tăm cả chăn chiếu, nồi niêu, thùng đựng nước.

Chị vừa đi, vừa khóc đến trạm kiểm soát Biên phòng khai báo, cầu cứu. Đại úy Nguyễn Văn Quảng, hiện là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, lúc đó là Trạm phó Trạm Kiểm soát Biên phòng Xín Mần bối rối, trong lúc chưa biết giúp chị ra sao bèn vào trong giường của mình mang tấm chăn bông ra cho chị. Người lính đóng quân nơi biên ải cũng vụng về không biết cách nào giữ lại người dân, những cột mốc sống cho biên giới. 15 năm về trước, đúng giai đoạn nước rút của tiến trình phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam - Trung Quốc, cửa khẩu Xín Mần chưa ổn định và vẫn còn hiu quạnh, chỉ cần hơi ấm của một gia đình, một làng bản giáp biên thôi cũng làm người lính Biên phòng có thêm sức mạnh. Nghĩ thế, Đại úy Quảng quyết tâm thuyết phục những người ở lại như ông Tàu và chị Bình. Anh và đồng đội trích lương ra cho họ vay vốn làm nhà, buôn bán dịch vụ, bám trụ ở gần cột mốc số 5 (mốc quốc giới số hiệu cũ ở cửa khẩu Xín Mần). Anh bảo người dân lên đồn lấy gạo về ăn chỉ là muốn giúp họ, hóa ra lại đánh trúng vào lòng tự trọng của người miền cao. Ai cũng nghĩ sức dài vai rộng, còn sức còn của, ai lại đi xin gạo của bộ đội qua ngày, càng quyết chí làm giàu cho bằng được.

Ông Hà Phúc Tàu và Đại úy Nguyễn Văn Quảng đã có rất nhiều năm gắn bó với nhau. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Ông Hà Phúc Tàu và Đại úy Nguyễn Văn Quảng đã có rất nhiều năm gắn bó với nhau. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Trước đây, nơi này là cửa khẩu cũ giữa 2 vùng đất của 2 quốc gia là thôn Tả Mù Cán, xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang với thôn Mảo Phìn, trấn Đô Long, huyện Mã Quan, châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cặp cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long chính thức được mở năm 2018 như vỡ òa niềm vui cho những người chờ đợi vận hội mới này đã quá lâu trên mảnh đất này. Nhớ lại những ngày tháng cũ, chị Bình vẫn nói, nếu không có sự yêu thương đùm bọc của BĐBP, của tình làng nghĩa xóm chắc giờ tôi với gia đình không rõ phiêu dạt ở nơi nào. Khi mất trộm sạch cả nhà cả cửa, chồng tôi đã mót nhặt những gì còn lại vào một cái túi tính từ bỏ Xín Mần. Lúc đó, bác Tàu kéo tôi lại, vứt cái túi vào trong phòng rồi khóa cửa, ném chìa khóa đi. Bác Tàu bảo đã đến cuối đường rồi, chẳng đi đâu hết, cùng ăn cùng khổ, mai kia mở cửa khẩu lớn, cơ hội cho con cháu mình còn nhiều.

Người đàn ông đầy năng lượng mở đường và thích làm ngược ấy hóa ra nói đúng với cửa khẩu Xín Mần. Những năm dài đằng đẵng ông vẫn trồng rau, nuôi gà, làm dịch vụ. Câu nói truyền tai nhau, thời tiết Xín Mần khắt nghiệt quá, chả cây chả rau nào sống nổi nữa là con người, hóa ra không còn đúng nữa.

Ở mảnh đất cuối ngọn gió Đông, hơi ấm từ tấm chăn bông cũ còn mãi đến bây giờ.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xin-man-cuoi-ngon-gio-dong-post429771.html