Xóa bỏ bất bình đẳng giới trong văn hóa tộc người: Huy động già làng, trưởng bản cùng vào cuộc

Báo Phụ nữ Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nguyên, Khoa Lý luận chính trị và Khoa học Xã hội - Nhân văn - Học viện An ninh nhân dân về vấn đề này qua tham luận 'Rà soát những biểu hiện bất bình đẳng giới trong văn hóa tộc người của các dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn Bắc'.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Thưa Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nguyên, bà có thể cho biết những biểu hiện cụ thể của bất bình đẳng giới trong văn hóa tộc người của các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn Bắc hiện nay được thể hiện như thế nào?

Lê Thị Thanh Nguyên: Thực tế chứng minh, một số nơi thuộc vùng dân tộc thiểu số là nơi còn nhiều tập tục lạc hậu, có bất bình đẳng giới và nguy cơ cao về bất bình đẳng giới. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là quan niệm của các dân tộc thiểu số về vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng.

Trong gia đình, đàn ông giữ vai trò làm chủ, phân công lao động, sắp xếp công việc cho các thành viên, chủ trì tất cả các công việc liên quan đến kinh tế, lễ tết, thờ cúng tổ tiên, thần linh và đối ngoại. Đặc điểm này tạo nên tâm lí yêu thích và coi trọng con trai hơn con gái.

Phụ nữ trong gia đình, xã hội bị đánh giá thấp hơn, ở vị trí phụ thuộc, thứ yếu, ít có cơ hội thể hiện tiếng nói, năng lực; phải chịu những loại hình cư xử khác nhau như bị bỏ rơi, hạ nhục, bị lạm dụng, sống trong sự kiểm soát, bị bóc lột, chà đạp và bạo hành…

Trên phương diện hôn nhân và gia đình, gia đình dân tộc thiểu số ở Trường Sơn Bắc là gia đình phụ hệ. Nam giới có vị thế và vai trò quan trọng.

Thiếu tá, Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nguyên

Thiếu tá, Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nguyên

Phụ nữ là nạn nhân của chế độ hôn nhân gả bán, tục "thách cưới" mà người hưởng lợi là gia đình cha mẹ đẻ và gia đình chồng. Cô dâu phải dùng sức lao động cả đời để trả giá trị quà cưới mà nhà trai nộp.

Phụ nữ cũng bị coi là "của thừa kế" khi chồng chết, phải lấy người thân của chồng như một di sản bắt buộc theo luật tục. Những bất bình đẳng còn thể hiện ở việc phụ nữ không được ngồi ăn cùng đàn ông trong nhà, không được phép bước vào gian khách, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, không được tiếp cận quyền nuôi con khi ly hôn.

Về nghi lễ sinh đẻ, nhiều tập tục hà khắc như phụ nữ sinh con ngoài rừng, bị cấm vào làng, phải sống trong lán tạm. Có sản phụ tử vong khi sinh mà cả làng phải cúng thần linh, rồi phải bỏ làng đi nơi khác. Khi sinh nở vào mùa vụ, gia đình phải chịu trách nhiệm nếu cộng đồng gặp dịch bệnh, mất mùa. Trong khi đó, thời gian ở cữ rất ngắn (2-7 ngày) rồi phải địu con lên rẫy, làm việc nặng.

Trong sinh hoạt cộng đồng, phụ nữ không được tham gia vào các thiết chế xã hội truyền thống, không có quyền tiếp cận các khu vực linh thiêng như nhà cộng đồng, rừng thiêng, không được dự lễ tế thần làng… Tóm lại, phụ nữ vừa chịu áp lực từ gia đình nhà chồng, nhà mẹ đẻ, vừa bị trói buộc trong khuôn mẫu khắt khe của cộng đồng, luật tục.

PV: Theo bà, sự bất bình đẳng giới ấy đã tác động ra sao đến thực trạng kinh tế - xã hội và đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn Bắc hiện nay?

Lê Thị Thanh Nguyên: Hệ quả của bất bình đẳng giới trong văn hóa tộc người thể hiện rõ bằng những chỉ báo định lượng cụ thể. Thứ nhất, tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở dân tộc Bru - Vân Kiều, Cơ Tu rất cao, năm 2018 cao hơn 5 lần mức trung bình các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tảo hôn ở dân tộc Chứt, Bru - Vân Kiều cũng rất cao, cá biệt có dân tộc Chứt là 32,2%. Phụ nữ sinh nhiều con, tổng suất sinh dao động từ 2,5 đến 3,8 con/phụ nữ.

Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh tại thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken, Văn Bàn, Lào Cai. Ảnh: LĐXH

Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh tại thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken, Văn Bàn, Lào Cai. Ảnh: LĐXH

Do kiêng kỵ truyền thống, nhiều sản phụ sinh con tại nhà, không có bà đỡ hoặc cán bộ y tế hỗ trợ, dẫn đến tỷ lệ tử vong sơ sinh cao, điển hình người Tà Ôi, Chứt trên 32‰.

Hậu quả tiếp theo là tỷ lệ biết chữ phổ thông ở nữ giới thấp hơn nam giới từ 12,6 đến 22,7%. Tỷ lệ nữ giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạt 0,1%.

Lao động nữ làm việc nhiều hơn nam nhưng quyền quyết định thuộc về nam giới. Nam giới là người dự họp, tiếp cận thông tin, còn nữ giới phải tiếp cận qua chồng, con trai. Nhiều nam giới còn cấm vợ, con gái tham gia lớp tập huấn, hoạt động xã hội, vì cho rằng việc đó không có lợi ích gì, chỉ cần chăm lo gia đình là đủ.

Phụ nữ phải gánh vác đồng thời công việc nương rẫy, nhà cửa, sinh nở, nuôi con, chăm sóc người già mà thu nhập thấp, bị trả công thấp hơn nam giới, gặp bất công trong tuyển dụng, lao động, bảo hiểm… Điều này kìm hãm sự phát triển bản thân và vị thế phụ nữ.

PV: Thưa bà, những nguyên nhân sâu xa nào đã khiến tình trạng bất bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn Bắc vẫn tồn tại dai dẳng đến hôm nay?

Lê Thị Thanh Nguyên: Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ quan niệm truyền thống lâu đời, ăn sâu trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, luật tục dân tộc thiểu số. Trong tư duy cộng đồng, phụ nữ bị định vị là người yếu kém về trí tuệ, thể lực, địa vị, chỉ có chức năng sinh con, phục dịch gia đình, cộng đồng.

Hệ thống luật tục và thiết chế xã hội truyền thống đều do đàn ông kiểm soát, quy định, bảo vệ đặc quyền cho nam giới. Phụ nữ không có vị thế quyết định trong gia đình và cộng đồng.

Mặt khác, sự hạn chế về học vấn, thông tin, kỹ năng xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số khiến họ không đủ điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động hòa nhập.

Trong khi đó, nhận thức và trách nhiệm của chính quyền, tổ chức đoàn thể, cán bộ cơ sở về bình đẳng giới chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Chính sách, dự án truyền thông giới chưa đa dạng, chưa chú trọng đặc thù dân tộc, văn hóa, phong tục vùng DTTS.

PV: Vậy theo bà, cần những giải pháp gì để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn Bắc?

Lê Thị Thanh Nguyên: Tôi cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính.

Một là, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới bằng các hình thức sinh động, trực quan, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện, bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, phải "nói dân nghe, dân hiểu, dân làm theo".

Huy động già làng, chủ bản, người uy tín, đảng viên là người DTTS, công an xã, bộ đội, giáo viên, người làm kinh tế giỏi cùng tham gia truyền thông. Tổ chức các câu lạc bộ, mô hình truyền thông theo lứa tuổi, trình độ học vấn, giới tính, nghề nghiệp.

Hai là, xây dựng hương ước, quy ước cộng đồng kế thừa cái hay, cái đẹp của luật tục truyền thống, đồng thời loại bỏ, giảm thiểu những hủ tục bất bình đẳng giới. Việc này phải công khai, minh bạch, dân chủ và dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng. Dùng cái hay, cái đẹp, tiến bộ để khắc chế cái chưa hay, lạc hậu.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cơ sở, am hiểu phong tục, ngôn ngữ, tập quán dân tộc. Cán bộ phải biết vận dụng linh hoạt, khéo léo, tế nhị các nội dung bình đẳng giới vào đời sống dân tộc, đảm bảo không vi phạm tín ngưỡng, luật tục mà vẫn đạt mục tiêu nâng cao vị thế, quyền lợi chính đáng cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ!

Trường Lê (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xoa-bo-bat-binh-dang-gioi-trong-van-hoa-toc-nguoi-huy-dong-gia-lang-truong-ban-cung-vao-cuoc-20250709211834944.htm