Xóa điểm nghẽn về logistics trong tiêu thụ nông sản ở Sơn La
Những hạn chế và khó khăn của hệ thống logistics trong nông nghiệp đã tạo điểm nghẽn cho đầu ra nông sản, nên Sơn La cần thực hiện nhiều giải pháp để giảm chi phí, triển khai các chính sách để thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics.
Là trung tâm sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc, Sơn La có nhiều nông sản chủ lực với diện tích, sản lượng tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, một số sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh chưa cao, trong đó có nguyên nhân liên quan đến dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Sơn La đã và đang nhận diện những khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.
Sơn La hiện có 55 doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ logistics nhưng quy mô rất nhỏ, loại hình dịch vụ đơn giản. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Còn các dịch vụ quan trọng khác như hỗ trợ bảo quản, đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật... vẫn chưa có DN đầu tư kinh doanh.
Trong hoạt động vận tải tiêu thụ, tỉnh Sơn La đang có 2 phương thức là đường bộ và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, do hạ tầng đường thủy chưa được đầu tư kết nối đồng bộ, nên hoạt động vận tải chủ yếu thực hiện trên đường bộ. Song, còn khó khăn do quốc lộ 6 và các tuyến tỉnh lộ nhiều đèo dốc nguy hiểm, làn đường hẹp; các phương tiện vận chuyển hàng hóa có kích thước, tải trọng vận chuyển lớn khó tiếp cận sâu vào hệ thống đường giao thông nông thôn.
Ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La – DN chuyên sản xuất và kinh doanh ngô giống, ngô ngọt, cung ứng phân bón cho thị trường trong nước và các tỉnh Bắc Lào cho biết, DN đã kiến nghị với tỉnh có sự đầu tư về hệ thống giao thông từ trung tâm xã, đến các vùng nguyên liệu, để thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ về mặt pháp lý để sản phẩm ngô giống xuất khẩu sang Lào thuận lợi hơn nữa.
Thiếu dịch vụ logistics cũng khiến việc tiêu thụ mặt hàng rau, củ, quả tươi của Sơn La gặp nhiều khó khăn. Người trồng bị áp lực thời vụ và bị tư thương ép giá. Cùng với đó là việc thiếu cơ sở sản xuất bao bì đóng gói, bảo quản, vận chuyển, nhân lực...
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, huyện có 11.000 ha cây ăn quả, với sản lượng 70.000 tấn/năm. Việc thu hoạch quả thường tập trung vào những thời điểm nhất định, thời gian ngắn, nên khâu bảo quản là rất cấp thiết. Tuy nhiên, hệ thống các kho lạnh trên địa bàn hiện được đầu tư quy mô nhỏ, chủ yếu ở các hộ gia đình, HTX, sản lượng bảo quản không được nhiều.
“Thời gian qua, huyện đã có nhiều hỗ trợ với các DN, HTX để thực hiện. Tuy nhiên nguồn lực của huyện chưa đủ, nên đã có những kiến nghị với tỉnh, mong muốn trong thời gian tới trên địa bàn huyện sẽ xây dựng được 1 trung tâm logistics, tạo điều kiện cho hộ dân Mai Sơn và các huyện lân cận trong việc chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản thuận lợi”, ông Hào đề xuất.
Sơn La hiện có 856 DN, HTX, hộ kinh doanh lĩnh vực vận tải, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ; có 6 chi nhánh, đại lý của DN bưu chính, chuyển phát. Cả tỉnh mới có khoảng 30 kho lạnh, dung tích dưới 250 m3/kho; 2.500 cơ sở sấy quả tươi nhỏ lẻ, với công suất 60.000 tấn quả tươi/niên vụ (chủ yếu sản phẩm nhãn); 12 container lạnh, chưa có cơ sở chuyên sản xuất các vật liệu, sản phẩm phục vụ hoạt động bao trái, đóng gói, xuất khẩu.
Những hạn chế và khó khăn của hệ thống logistics trong nông nghiệp đã tạo điểm nghẽn cho đầu ra nông sản. Theo các chuyên gia, Sơn La cần thực hiện nhiều giải pháp để giảm chi phí logistics, triển khai các chính sách để thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối vùng miền của tỉnh Sơn La còn thiếu, chưa có điều kiện để tiếp cận đường biển, đường thủy, hàng không. “Việc đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu cũng như mở rộng tuyến đường đô thị là rất cần thiết để kết nối vùng miền. Bên cạnh đó, với sản phẩm nông sản có đặc thù cần bảo quản, nên Sơn La cần có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng các kho lạnh, kho mát và Trung tâm sơ chế nông sản”, ông Hải lưu ý.
Bằng kinh nghiệm thực tế, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam chia sẻ, hiện nay, Sơn La hoạt động dịch vụ logistics đơn lẻ từng công đoạn vì chưa có DN cung cấp dịch vụ logistics trọn gói.
“Có 2 mô hình để tỉnh Sơn La nghiên cứu, đó là mô hình xây dựng những DN cung cấp dịch vụ trọn gói; thứ hai là khuyến khích việc kết hợp, liên kết giữa các DN hoạt động dịch vụ logistics đơn lẻ từng công đoạn với nhau, dưới mái nhà chung là Hiệp hội dịch vụ logistics địa phương và vùng”, ông Khoa định hướng.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Sơn La xác định logistics là một mắt xích quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và hàng hóa.
“Sở Công Thương sẽ cùng với các Sở, ngành tham mưu với tỉnh trong hoạch định quy hoạch các hạ tầng phát triển logistics về giao thông, kho bãi, nhất là vấn đề nhân lực trong logistics, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này”, bà Doan cam kết.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, mỗi DN, HTX, nông dân Sơn La cũng cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch sản xuất theo quy chuẩn, nâng cao giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Sơn La./.